Mỗi khóa có hàng nghìn thí sinh dự tuyển nhưng trúng tuyển chỉ được vài chục em. Do đó, quy mô đào tạo của các ngành, nghề nghệ thuật rất thấp.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do đặc thù của đào tạo năng khiếu nghệ thuật nên việc tuyển chọn học sinh, sinh viên đòi hỏi kỹ lưỡng, khắt khe. Thí sinh dự thi các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đều phải có năng khiếu vượt trội về chuyên ngành đăng ký dự thi, có ngoại hình, thanh sắc, khả năng cảm nhận nghệ thuật và nền tảng văn hóa tốt.
Ngoài ra, mỗi nhóm ngành nghệ thuật như văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, xiếc… còn có những tiêu chí riêng khi tuyển chọn. Ví dụ như múa yêu cầu sức khỏe, sự mềm dẻo, uyển chuyển, hình thể linh hoạt. Các ngành về sân khấu yêu cầu 6 yếu tố cơ bản về thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.
Để tuyển chọn được những thí sinh đạt yêu cầu, hội đồng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phải đi đến địa phương, vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm, tuyển chọn ở vòng loại. Sau đó, các thí sinh thi vòng sơ tuyển và chung tuyển tại cơ sở đào tạo với kiến thức chung, kiến thức chuyên môn rất khắt khe. Mỗi khóa có hàng nghìn thí sinh dự tuyển nhưng trúng tuyển chỉ được vài chục em. Do đó, quy mô đào tạo của các ngành, nghề nghệ thuật rất thấp (có những ngành/chuyên ngành đào tạo chỉ từ 3-5 học sinh, sinh viên).
Quy trình đào tạo công phu, lâu dài, có hệ thống và liên tục trong nhiều năm, quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Đào tạo nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành mang tính truyền nghề, học sinh phải học đồng thời chương trình văn hóa phổ thông. Thời gian đào tạo dài (trình độ trung cấp kéo dài 4 năm, 5 năm, 6 năm, 7 năm hoặc 9 năm). Có những ngành phải học ngay từ khi 7 - 8 tuổi, khổ luyện liên tục, rất dễ mắc chấn thương...
Nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang thiết bị cho các em theo học ngành nghệ thuật. Chính sách đã tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, sinh viên có năng khiếu, tài năng, vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc ở các vùng miền trong cả nước.
Tuy vậy, việc đào tạo văn hóa nghệ thuật bộc lộ một số hạn chế. Nguồn tuyển sinh hạn hẹp, ít tuyển chọn được năng khiếu, tài năng. Bởi phần lớn người học không còn mong muốn, khát vọng đi học các ngành văn hóa nghệ thuật để vươn tới tài năng đỉnh cao, thay vào đó là học các ngành, nghề để có nhiều thu nhập. Các cơ sở đào tạo hạn hẹp dần nguồn tuyển sinh, quy mô đào tạo đã thấp ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Trong khi, văn hóa nghệ thuật thuộc ngành đào tạo đặc thù, khổ luyện, đòi hỏi đầu tư dài hạn, với đội ngũ giảng dạy vừa phải có uy tín chuyên môn nghề nghiệp cao, vừa phải có phương pháp tốt, lại cần được chăm sóc, đãi ngộ thích đáng mới tạo ra được tài năng,“sản phẩm” chất lượng cao.
Tuyển sinh đầu vào khó khăn, vì vậy, một số cơ sở đào tạo buộc phải hạ tiêu chí tuyển chọn, hầu thu hút học sinh, sinh viên, đào tạo theo thị hiếu giải trí của xã hội hay còn gọi là “nghệ thuật thị trường”, dẫn tới thực trạng “nghiệp dư hóa” nghệ thuật. Còn đào tạo tài năng đỉnh cao lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chủ yếu chỉ tập trung ở một số cơ sở đào tạo đầu ngành, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (các trường Trung ương).
Theo thống kê gần đây nhất của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) số lượng diễn viên trong độ tuổi 20-25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, độ tuổi 25- 30 chỉ chiếm 42,3%. Theo nhiều chuyên gia, đã nhiều năm nay, các đơn vị đào tạo danh giá của nghệ thuật sân khấu điện ảnh nước nhà đang rơi vào tình trạng số thí sinh dự thi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu.
Nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội cũng chia sẻ, không chỉ khó tuyển sinh, ngay tại các giải thưởng có uy tín nhằm tuyển chọn giọng ca và diễn viên cải lương diễn như Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu… cũng rơi vào tình trạng thiếu vắng thí sinh dự thi, lại càng khó khăn để phát lộ được giọng ca hay, một triển vọng tài năng cho ngành...
Có thể nói, công tác đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được chú trọng đặc biệt. Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để hoạt động văn hóa văn nghệ của đất nước phát triển, các tài năng trẻ được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy, cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, mỗi chính sách xây dựng, ban hành đáp ứng, phù hợp với một giai đoạn thời điểm nhất định.
Vì vậy, qua rà soát, phản ánh thực tế từ đơn vị quản lý và triển khai thực hiện cho thấy, chính sách ưu đãi với người học các ngành nghệ thuật truyển thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật dẫn đến có sự hiểu khác nhau, chồng chéo. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật để phù hợp với tình hình hiện nay, tạo sự ổn định trong đào tạo một số ngành, nghề đặc thù, đặc biệt là khối nghệ thuật truyền thống.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp; trao đổi với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội...; xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách nhằm hoàn thiện dự thảo./.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
- Từ khóa:
- Nghệ thuật
- đặc thù
- chuyên sâu
- tài năng