Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Đây là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau chứ không phải thực hiện cho nhiệm kỳ này
Những ngày này, cử tri cả nước, nhất là những người yêu văn hóa rất quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, rất nhiều đại biểu đã có ý kiến đóng góp xây dựng cho chương trình này.
*Nguồn lực, động lực mới để tập trung cho phát triển văn hóa
Chia sẻ về Chương trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Bộ tổ chức Hội thảo kỷ niệm 80 Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Điều này đã giúp cho ngành Văn hóa có thêm niềm tin mới, nguồn lực mới và động lực mới để tập trung cho nhiệm vụ phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đặc biệt, sau khi tham mưu trúng và đúng, được Trung ương đồng ý về mặt chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Đây cũng là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau chứ không phải thực hiện cho nhiệm kỳ này.
Ông nêu rõ: Đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng văn hóa trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, có tính bền vững, giúp khơi thông nguồn lực cho lĩnh vực này, hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, lan tỏa sức mạnh mềm của Việt Nam ra quốc tế. Chỉ khi có được Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, thì mới dễ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển một cách toàn diện.
Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sẽ được thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền; nguồn vốn sẽ được công khai, minh bạch, không có cơ chế xin – cho.
Việc đầu tư cho Chương trình góp phần tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
* Lan tỏa tinh thần Việt ra thế giới
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định: Việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là một yêu cầu cấp thiết. Trong kỷ nguyên mà dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ, Chương trình là một công cụ chiến lược, niềm hy vọng, nền tảng cho sự bền vững và phồn thịnh của văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là sự đầu tư về nguồn lực mà còn là đầu tư vào tâm hồn, bản sắc, và cốt lõi tinh thần của cả một đất nước. Chương trình nếu được thông qua, sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần đưa Việt Nam bước vào thời kỳ mới với tâm thế tự tin, vững vàng và đầy khát vọng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nêu rõ: Khi chương trình được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, từ những làng quê xa xôi đến thành phố lớn, nó sẽ tạo ra sự gắn kết trong mỗi người dân, nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào về văn hóa nước nhà. Bằng việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, chúng ta không chỉ giữ vững di sản của cha ông mà còn lan tỏa tinh thần Việt ra thế giới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn và nhiều chuyên gia khác, dù mang tính bao quát và tổng thể nhưng Chương trình vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm nhấn, mang tính đột phá. Trong đó có tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc; bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh và truyền bá các di sản văn hóa truyền thống.
Cùng với đó là cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh, âm nhạc, thời trang, phần mềm, trò chơi điện tử, du lịch văn hóa),...nhằm tận dụng, phát triển tiềm năng của văn hóa. Mặt khắc cũng cần tạo ra các không gian sáng tạo và định vị văn hóa quốc gia cũng như môi trường thuận lợi để các cá nhân, tập thể sáng tạo và phát triển ý tưởng mới, định vị văn hóa quốc gia trên trường quốc tế...
Tại Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chính phủ đề xuất chi 256.250 tỷ đồng để đầu tư cho Chương trình, trong đó, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.
Trong đó có ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỷ đồng); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.
Chương trình được thực hiện trên cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Chương trình tập trung vào hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…/.