Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
(TTXVN) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1447/QĐ-TTg lấy ngày 22 tháng 11 hàng năm là "Ngày truyền thống tỉnh An Giang".
Theo sách Đại Nam thực lục ghi nhận, 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mệnh đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi "ngũ trấn" thành "lục tỉnh".
Cùng thời điểm, vua Minh Mệnh đã quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên, trong đó có tỉnh An Giang.
Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch). Từ cơ sở khoa học và thực tiễn có thể khẳng định, tỉnh An Giang được vua Minh Mệnh quyết định thành lập vào ngày 22/11/1832.
Qua thời gian hình thành và phát triển, An Giang đã trở thành địa phương có nền văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng và là nơi khởi nguồn nhiều tôn giáo bản địa và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống chan hòa, gắn bó.
Trong những năm tháng chiến tranh, vùng đất và con người An Giang đã anh dũng, kiên cường, bất khuất đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân An Giang luôn đồng lòng xây dựng quê hương. Thời kỳ đổi mới của đất nước ta bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986).
Cũng trong khoảng thời gian đó, An Giang nổi lên như một điển hình của việc phá rào cản cũ, đề ra những chính sách, chủ trương đột phá bắt đầu từ kinh tế nông nghiệp.
Đặc biệt, ngay từ năm 1990, An Giang đã có chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn cho nông dân; từ năm 1992, hình thành định chế khuyến nông và tự do hóa thương mại.
An Giang cũng là tỉnh thành lập chương trình phát triển nông thôn sớm nhất trong cả nước. Từ các chủ trương đột phá, An Giang đã tháo gỡ được mọi trở lực, giải phóng lực lượng sản xuất, giúp nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển nhanh.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn tỉnh giai đoạn 1991-1995 đạt 9,9%, cao hơn bình quân cả nước.
10 năm sau đổi mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc, sản lượng lương thực tăng 1,37 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng 16%/năm.
Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, An Giang đã khẳng định được vị thế, gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; mạng lưới trường, lớp, cơ sở y tế phủ rộng…
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 5,25%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,8 triệu đồng/người/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 127.360 tỷ đồng (tăng hơn 27.970 tỷ đồng so giai đoạn 2010-2015), tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt 31.345 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 4,18 tỷ USD.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh.
Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
Để đạt mục tiêu đề ra, An Giang đã đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Để kỷ niệm 190 năm ngày thành lập, tỉnh An Giang dự kiến tổ chức Lễ kỷ niệm vào lúc 19 giờ, ngày 22/11/2022, tại quảng trường Trưng Nữ Vương (phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên).
Lễ kỷ niệm bao gồm chương trình bắn pháo hoa và biểu diễn nghệ thuật nhằm tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam; ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân dày công mở cõi, tạo dựng vùng đất An Giang phù sa màu mỡ, giàu truyền thống anh hùng.
Qua đó, cổ vũ tinh thần đoàn kết "ý Đảng lòng dân" trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương An Giang./.