Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
Nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của con người, ngày Môi trường thế giới 5/6 được tổ chức thành sự kiện thường niên tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm nay, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn chủ đề của Ngày môi trường thế giới 2024 là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” (Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và tăng khả năng chống hạn, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên thế giới.
* Chung tay làm chậm quá trình biến đổi khí hậu
Cách đây 52 năm, ngày 5/6/1972, hội nghị của Liên hợp quốc về con người và môi trường đã diễn ra tại Stockholm (Thuỵ Điển). Đây là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Và cũng tại hội nghị này, Liên hợp quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường thế giới.
Từ đó, ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
Trong suốt hơn 5 thập niên qua, ngày Môi trường thế giới đã tạo một nền tảng để hội tụ các hành động tập thể, giúp nhiều tiếng nói được lắng nghe và thúc đẩy mọi người thay đổi, dẫn tới những hiệp ước toàn cầu quan trọng trong mọi lĩnh vực từ ô nhiễm nhựa đến rác thải thực phẩm. Mỗi năm, chủ đề Ngày Môi trường thế giới đều phản ánh một điểm nhấn về những lo ngại môi trường vào thời điểm đó. Chẳng hạn như: Năm 1977, sự kiện này tập trung vào lỗ thủng tầng Ozone; Năm 1984 nêu vấn đề hoang mạc hóa; Chủ đề của năm 1989 là sự nóng lên toàn cầu; Năm 2003 là nguồn nước, trong khi giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon là chủ đề của năm 2018…
Điều đáng mừng là mỗi năm, số người tham gia sự kiện Ngày Môi trường thế giới, cả trực tuyến và trực tiếp, đều gia tăng. Và nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội mà thế giới đã đạt được những tiến bộ về chính sách đối với môi trường. Ví dụ như việc 14 nhà lãnh đạo các nước trong đó có Colombia, Costa Rica, Phần Lan, Pháp… đã ra một tuyên bố chung vào Ngày Môi trường thế giới năm 2020, kêu gọi các nước ủng hộ một mục tiêu toàn cầu mới là bảo vệ ít nhất 30% đất và đại dương trên hành tinh này vào năm 2030; hay như vào tháng 2/2022, 175 quốc gia đã nhất trí trên nguyên tắc về sự cần thiết phải xây dựng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý của Liên hợp quốc để chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, đặt ra thời hạn đầy tham vọng là năm 2024 đạt được thỏa thuận…
Tiếp nối những nỗ lực đó, năm 2024, ngày Môi trường thế giới được phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” (Land restoration, desertification and drought resilience). Với chủ đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Vì vậy, phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
* Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024
Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động làm sạch môi trường, đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; triển khai Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và sinh thái của từng vùng; tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng, chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Các địa phương đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa. Bên cạnh đó nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.
Các cơ quan truyền thông đại chúng vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội trong việc bảo vệ môi trường.../.