Bằng sự nỗ lực hết mình và lời động viên của nội, chị Lê Thị Bích Loan đã vượt qua khó khăn của bệnh bại liệt, đạt được ước mơ và có cuộc sống hạnh phúc.
TTXVN - Với tâm niệm "không có gì là không thể nếu mình thực sự cố gắng", chị Lê Thị Bích Loan, thủ khoa người khuyết tật đầu tiên của Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã tự tin bước đi trên con đường mình lựa chọn, đồng thời hỗ trợ nhiều bạn trẻ cùng hoàn cảnh vươn lên, làm chủ bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội.
* Niềm tin được tiếp sức
Sinh ra khuyết tật đã buồn. Vừa khuyết tật vừa nghèo lại còn buồn hơn... Trong tim, ai cũng có một ký ức tuổi thơ đầy ắp niềm vui và tiếng cười..., thế nhưng với chị Lê Thị Bích Loan, ký ức về tuổi thơ không gì ngoài những giọt nước mắt của mẹ, nỗi buồn của ba, hay nỗi xót xa của người thân khi thấy một cô bé 20 tháng tuổi khỏe mạnh bỗng dưng bị sốt bại liệt. Khi bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy vui chơi hồn nhiên bên gia đình, thì chị và ba mẹ chìm đắm trong buồn bã, thậm chí tuyệt vọng... Khi đó, chị còn quá nhỏ để biết rằng mình đang bị mất mát rất lớn trong cuộc đời..., chỉ cảm thấy bức bối khi suốt ngày đối diện với 4 bức tường ở bệnh viện và không cử động được tay chân theo ý mình.
Mặc dù bác sỹ đã khuyên gia đình nên bỏ cuộc nhưng ba mẹ chị vẫn nhất quyết không chịu rời khỏi bệnh viện. Công cuộc chữa chạy kéo dài nhiều năm trời đằng đẵng... Cũng may, trời không phụ lòng người, từ liệt cả tay và chân, Loan dần dần phục hồi được 2 tay, chỉ còn liệt 2 chân và phải mang nạng cùng giày sắt. Lúc này, gia đình chị lại rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Số tiền ít ỏi ba mẹ chị kiếm được đều đổ dồn vào việc chữa bệnh cho cô con gái nhỏ, đồ đạc trong nhà lần lượt "đội nón ra đi", tiền nợ viện phí ngày một chồng chất... Khi đó, bà nội chị đã thuyết phục ba mẹ gửi chị cho bà chăm sóc. Vì thế, khi lên 4, chị Loan được gửi lên Biên Hòa, Đồng Nai dưới sự đùm bọc, thương yêu của nội.
Loan cho biết mình rất may mắn khi được bà nội - một giáo viên hưu trí nuôi dưỡng. Mỗi khi nản lòng, chị thường nhớ đến lời bà dặn: "Không gì là không thể nếu mình thực sự cố gắng con à...". Câu nói ấy như phép nhiệm màu, giúp chị kiên cường hơn với lịch tập vật lý trị liệu đều đặn mỗi ngày, tuân thủ các bài tập phục hồi chức năng. Sau một thời gian, chị Loan có thể bỏ bớt được một bên giày, tự đứng bằng một chân... Đó là nỗi vui mừng và hy vọng đối với chị bởi niềm tin có thể bỏ được nạng vào một ngày không xa, cũng như được đi học như chúng bạn. Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa dừng ở đó, dù ở nhà chị đã được bà nội dạy thông thạo hết chương trình lớp 1 nhưng hầu hết các trường đều "ái ngại" khi thấy chị, họ sợ chị không theo nổi vì lý do sức khỏe. May mắn lần nữa lại đến với cô gái nhỏ khi hiệu trưởng một trường tiểu học đã nhận chị vào học.
Đi học không dễ dàng với một đứa trẻ bại liệt, chị Loan luôn phải đấu tranh tư tưởng, bỏ ngoài tai những lời trêu ghẹo của chúng bạn, nỗi tủi hổ của bản thân. Tuy rất buồn nhưng chị chưa bao giờ có ý định bỏ học, bởi lời dạy của bà: "Nhà mình nghèo, con lại có tật, chỉ có cái học mới giúp mình đi lên", chị quyết tâm phải luôn luôn học giỏi để bà, ba mẹ, cũng như những người từng giúp đỡ mình vui lòng. Học như một niềm đam mê, hầu như năm học nào chị cũng đứng hạng nhất, suốt 12 năm liền chị luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi.
Năm lớp 11, chị Loan bắt đầu tập viết báo sau khi trở thành học sinh giỏi văn của tỉnh. Chị là cây bút chuyên viết truyện ngắn cho lứa tuổi học trò của báo "Dưới mái trường" (Biên Hòa - Đồng Nai)... Tiền nhuận bút giúp chị phần nào trang trải chi phí, bớt gánh nặng cho nội. Chị cũng ý thức được phải phấn đấu tự túc đi học, không thể bắt bạn bè, người thân đưa rước mãi... Chị tập chạy xe đạp, điều này đồng nghĩa với việc phải bỏ giày và nạng... Sau ba tháng ròng rã luyện tập, chị đã thành công ngoài sức mong đợi, có thể ngồi vững trên yên xe đạp, dù chỉ có thể đạp nhấp nửa vòng nhưng Loan đã có thể đến trường bằng sức của mình. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chị, cho thấy, không gì là không thể nếu mình thực sự cố gắng!
* Không có gì là không thể
Yêu thích vẽ từ nhỏ, nên chị Loan nộp hồ sơ vào Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Hồng Bàng (Khoa Mỹ thuật công nghiệp)... Kết quả, chị đậu cả 2 trường với số điểm khá cao: 24,5 điểm. Bước chân vào Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chưa được bao lâu, cô sinh viên khuyết tật lại đối mặt với sự khó khăn về kinh tế, đã có lúc chị chùn bước... nhưng nhớ lời bà nội dặn, chị không thể bỏ lỡ giấc mơ và lại tiếp tục tiến lên phía trước. Qua năm 2 đại học, chị xin làm parttime cho các công ty thiết kế với số tiền trang trải phần nào cho việc học tập.
Nhờ sự giúp đỡ, động viên của thầy cô, cũng như sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh, chị Loan được một nhà hảo tâm người Hàn Quốc tặng học bổng bằng số tiền học phí, giúp chị học thêm tiếng Hàn. Giờ đây, người hảo tâm đó đã sang Mỹ sinh sống nhưng chị Loan vẫn nhớ về bà như người mẹ nuôi. Những năm học này, chị tranh thủ tìm kiếm học bổng để có thêm chi phí sinh hoạt, tham gia hoạt động xã hội của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh. Những việc làm này giúp chị vượt qua được mặc cảm, nghĩ về bản thân mình nhiều hơn và có những ước mơ.
Với luận văn tốt nghiệp về hệ thống 10 poster cho người khuyết tật, chị đã đạt thủ khoa với số điểm 9,5. Niềm vui, tự hào nhất của Loan là chị đã thành công trong việc thực hiện ý định của mình, ai nhìn vào những poster đó cũng đều đọng lại ít nhiều suy nghĩ về những thông điệp về người khuyết tật. Tốt nghiệp đại học với danh hiệu thủ khoa, khi đang làm việc với vị trí quản lý thiết kế với mức lương cao, một chặng đường mới mở ra với Loan, chị quyết định đầu quân về Công ty Rồng Việt (Thành phố Hồ Chí Minh), phụ trách một nhóm người khuyết tật tâm huyết cùng làm nghề. Với chị Loan, đó là niềm hạnh phúc, bởi chị đã có thể giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Hạnh phúc lại đến lần nữa với Loan khi chị tìm thấy một nửa của cuộc đời mình - anh Nguyễn Hồng Chương. Khi đó, chị vừa chia tay tình cảm đầu đời do gia đình bạn trai không chấp nhận người con dâu khuyết tật. Quen nhau qua mạng, anh là dân công nghệ thông tin, chị là dân thiết kế đồ họa. Trong quá trình trò chuyện qua chat, anh chị có khá nhiều quan điểm giống nhau về cuộc sống. Nhờ có bà nội động viên, cũng như sự kiên trì theo đuổi tình cảm của anh, chị đã "mở cửa" lòng đón nhận hạnh phúc. Sau một năm quen biết, anh chị đã lên duyên vợ chồng, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc với một bé gái, một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Lấy nhau 14 năm, anh vẫn luôn yêu thương và che chở cho chị trong mọi chuyện. Bé gái năm nay lên lớp 9, là học sinh xuất sắc và được giải khuyến khích cuộc thi Nét vẽ xanh cấp thành phố Hồ Chí Minh, bé cũng là học sinh giỏi văn cấp thành phố. Bé trai 12 tuổi từ nhỏ đã đạt những thành tích nổi trội trong lập trình tin học như Huy chương Vàng quốc gia, Huy chương Đồng quốc tế kỳ thi Lập trình quốc tế, Giải nhì cuộc thi lắp ráp Robot Myor Thành phố Hồ Chí Minh; Giải đồng chung kết quốc gia kỳ thi Toán học Olympic quốc tế FMO 2022.
Hiện, chị Lê Thị Bích Loan đang là Giám đốc sáng tạo và phát triển thương hiệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất bao bì Tăng Phú (Tafuco); giảng viên Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Greenwich Thành phố Hồ Chí Minh. Điều chị rất thích khi đi dạy là được tiếp xúc với sinh viên. Các em luôn bày tỏ sự tin tưởng với chị, có em còn viết thư, email bày tỏ lòng ngưỡng mộ khiến chị cảm thấy mình đã có đóng góp hữu ích cho xã hội. Tiếp tục con đường học vấn, chị đã hoàn thành bằng Thạc sỹ và đề tài chị lựa chọn vẫn liên quan tới người khuyết tật, cũng như cuộc sống mưu sinh của họ, bởi chị hy vọng tiếp tục đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Hiện chị là nghiên cứu sinh và đang chuẩn bị hoàn thiện luận án tiến sĩ.
Cuộc sống như một bức tranh nhiều màu, khi vui, khi buồn, khi trầm, khi bổng... Nhưng, dù khó khăn cỡ nào, tinh thần vẫn là trên hết. Tôi luôn cố gắng cười trong mọi hoàn cảnh, và luôn nhớ tới lời nội dạy: 'Không gì là không thể nếu mình thực sự cố gắng!', dù giờ nội đã đi rất xa, không bao giờ trở lại, nhưng câu nói của nội luôn bất hủ trong tôi... Tôi tin điều đó! Những gì bây giờ tôi đang có là minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói ấy. Đừng bao giờ tuyệt vọng vì không gì là không thể nếu mình thực sự cố gắng!" - chị Loan chia sẻ./.