Một môi trường an toàn, thân thiện không chỉ giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt, tự tin hòa nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng.
Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng. Tuy nhiên nếu môi trường sống tạo cho trẻ cảm giác an toàn, các em có thể phát triển và hòa nhập tốt hơn. Thấu hiểu điều đó, đội ngũ giáo viên tại Trung tâm Can thiệp và Trị liệu tâm lý EMH (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đang nỗ lực từng ngày để xây dựng môi trường an toàn, thân thiện giúp các em từng bước mở lòng, tự tin hòa nhập cuộc sống.
* Thách thức của trẻ tự kỷ và gia đình
Không chỉ trẻ tự kỷ mà gia đình các em cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong nhận thức, chẩn đoán, điều trị, giáo dục và đồng hành với trẻ. Nhiều bậc phụ huynh đã không thể chấp nhận con mình bị rối loạn phổ tự kỷ hoặc cảm thấy bất lực, cô đơn và mệt mỏi trong quá trình đồng hành giúp con hòa nhập cuộc sống.
Chị T.T.P.T (thành phố Biên Hòa) có con tự kỷ chia sẻ, hơn 2 tuổi, nhận thấy bé không chịu nói và có một số biểu hiện bất thường, chị quyết định đưa con đi kiểm tra. Các bác sĩ đã khuyên gia đình nên đưa trẻ khám chuyên sâu về tâm lý vì nghi ngờ bé có biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, gia đình không chấp nhận, nghĩ con chỉ chậm nói, lớn lên con sẽ tự biết nói. Đến khi gần 4 tuổi, gia đình mới nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, vội vàng tìm trung tâm để can thiệp cho con.
“Ban đầu, gia đình rất hoang mang, lo lắng vì không biết gì về căn bệnh này. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận ra chỉ cần hiểu và đồng hành, con hoàn toàn có thể tiến bộ để hòa nhập tốt. Sau gần một năm can thiệp, con tôi đã nói tốt hơn, biết phân biệt các loại đồ chơi và màu sắc”, chị T.T.P.T cho biết.
Cô Nguyễn Thị Tú Anh (chuyên viên can thiệp trẻ tự kỷ, Trung tâm Can thiệp và Trị liệu tâm lý EMH) cho biết, khó khăn lớn nhất của trẻ tự kỷ là khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội. Bé sẽ không phát triển hoặc chậm hơn bình thường. Ban đầu, phụ huynh sẽ khó khăn để chấp nhận việc này và khi đã chấp nhận thì hành trình đồng hành cùng con cũng đầy gian nan, phải tìm hiểu về rối loạn phổ tự kỷ, lựa chọn phương pháp can thiệp, duy trì suốt quá trình là những thách thức lớn với gia đình.
“Tự kỷ không phải là bệnh mà là một rối loạn phát triển thần kinh. Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh khi phát hiện con có các dấu hiệu của tự kỷ để tìm hiểu và lựa chọn những phương pháp can thiệt phù hợp. Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ là từ 18 - 36 tháng. Nếu được can thiệp kịp thời, trẻ vẫn có cơ hội hòa nhập và phát triển tốt hơn”, cô Tú Anh nhấn mạnh.
* Cần môi trường an toàn để trẻ tự tin hòa nhập
Một môi trường an toàn, thân thiện không chỉ giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt, tự tin hòa nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng.
Hơn 6 năm gắn bó với nghề, cô Lê Thị Hạnh (chuyên viên can thiệp trẻ tự kỷ, Trung tâm Can thiệp và Trị liệu tâm lý EMH) chưa quên giây phút vỡ òa hạnh phúc khi gia đình của một bé hơn 3 tuổi có rối loạn phổ tự kỷ đến đón con sau giờ can thiệp tại trung tâm. Khi nghe con gái gọi tiếng “bố ơi”, người cha bất ngờ và không kìm được xúc động đến rơi nước mắt, . . .
Theo cô Lê Thị Hạnh, khi bắt đầu can thiệp, bé chưa biết giao tiếp, chưa biết thể hiện nhu cầu của bản thân. Những khi không hài lòng, bé thường la hét và tấn công người khác. Tuy nhiên, bằng sự đồng cảm, tình yêu thương với trẻ, cô và các giáo viên khác đã đồng hành, tạo sự tin tưởng giúp bé hiểu cách để biểu lộ những điều con muốn và dần hòa nhập với các bạn xung quanh.
“Với mỗi trẻ tự kỷ, chúng tôi sẽ mất khoảng 2 tháng để tạo niềm tin với bé. Môi trường xung quanh rất quan trọng. Chúng tôi dùng hình ảnh và sự yêu thương để giao tiếp mỗi khi bé không hợp tác. Khi cảm nhận được tình yêu thương của cô, con mới có cảm giác an toàn và hợp tác để cô trò cùng nhau trải qua các bài học”, cô Hạnh cho biết.
Bà Hoàng Thị Mai (Quản lý chuyên môn tại Trung tâm Can thiệp và Trị liệu tâm lý EMH) nêu rõ, trung tâm đã thực hiện can thiệp thành công cho hàng ngàn trẻ. Các bé đến đây đa phần bị rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên sau khoảng thời gian can thiệp, các bé đã ổn định và hoàn toàn có thể hòa nhập cộng đồng. Để can thiệp thành công cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, đội ngũ giáo viên phải có tình yêu thương, chuyên môn tốt về can thiệp. Điều quan trọng nhất là phải tạo ra môi trường để trẻ cảm thấy an toàn, sẵn sàng hòa đồng và chia sẻ. Trước khi bắt đầu can thiệp, chuyên gia về tâm lý sẽ đánh giá mức độ, khả năng, hạn chế của trẻ; sau đó sẽ lên chương trình can thiệp phù hợp với từng trẻ. Trong quá trình can thiệp, các chuyên gia sẽ có đánh giá định kỳ. Kết thúc quá trình can thiệp, trẻ cũng sẽ được đánh giá mức độ đáp ứng khi hòa nhập với cộng đồng.
Tiến sĩ Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, nếu phát hiện trẻ có nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là can thiệp sớm, nhất là can thiệp trong “thời gian vàng” để bé phát triển tốt nhất. Đồng thời, cha mẹ cần tìm kiếm các chuyên gia đủ uy tín để đánh giá và xác định mức độ rối loạn của con; bình tĩnh, ổn định cảm xúc, chấp nhận để cùng chuyên gia lên kế hoạch can thiệp và đồng hành cùng con. Đó là điều quan trọng nhất để can thiệp thành công cho trẻ tự kỷ.
Tiến sĩ Lê Minh Công cũng nêu rõ, can thiệp cho trẻ tự kỷ cần kết hợp đa ngành và do các chuyên gia, giáo viên được đào tạo bài bản, có chuyên môn, năng lực. Bởi vì trẻ tự kỷ không phải chỉ dạy 1-1 mà còn phải can thiệp các vấn đề khác như trị liệu về âm lời nói, hành vi, cảm xúc…/.
- Từ khóa:
- môi trường
- trẻ tự kỷ
- hòa nhập
- Đồng Nai