Không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tương lai sẽ mở ra tính liên kết vùng, tạo dư địa mới để vùng cao Khánh Hòa phát triển.
Chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 vào đầu năm 2025, hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã có định hướng quan trọng để phát triển thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng, phát triển nông nghiệp cây trồng có giá trị cao gắn với bản sắc văn hóa truyền thống.
* Tận dụng tiềm năng, thế mạnh
Khánh Vĩnh có diện tích tự nhiên 1.165 km2, trong đó rừng và đất rừng chiếm hơn 3/4 diện tích; chủ yếu là đồng bào các dân tộc Raglai, Ê Đê… sinh sống. Các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Vĩnh mở rộng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn kết tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa.
Đến cuối năm 2024, Khánh Vĩnh còn 1.367 hộ nghèo, 1.146 hộ cận nghèo. Để tiếp tục giảm số hộ nghèo trong năm 2025, ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, việc duy trì hỗ trợ cho gia đình nghèo, cận nghèo và các hộ vừa thoát nghèo như cấp học bổng, đầu tư và hướng dẫn chăn nuôi cho người dân là rất cần thiết. Kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu là cây trồng, vật nuôi; cần khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Sanh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa nhấn mạnh, Khánh Vĩnh cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nghề cho người lao động. Tại địa phương có Khu công nghiệp Sông Cầu, nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ là rất cao. Việc đáp ứng lao động cho các nhà máy, xí nghiệp ở đây sẽ góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thực tế, trình độ lao động của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu tác phong chuyên nghiệp, tinh thần kỷ luật...
Với Khánh Sơn, sau khi thoát khỏi huyện nghèo, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định phấn đấu đến năm 2030 trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Khánh Sơn chú trọng việc thoát nghèo bền vững cho từng hộ dân, ưu tiên phát triển và xây dựng các đô thị có mật độ cây xanh sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, hệ thống rừng đặc trưng, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng và lợi thế của địa phương, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; văn hóa - xã hội phát triển lành mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh vững chắc. Mới đây nhất, huyện cũng đã công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, với lợi thế tiềm năng thiên nhiên phong phú, Khánh Sơn sẵn sàng đón các dự án phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa thông tin, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận Làng du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Đây là cơ hội để Khánh Sơn hình thành các tour, tuyến du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Để làm du lịch tốt, người dân, các cơ quan cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, vừa phục vụ phát triển du lịch của địa phương, vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
* Khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, hai huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn tuy đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhưng là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, phương thức sản xuất còn lạc hậu. Cả hai huyện vùng cao này cần tiếp tục tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, thay đổi hình thức tuyên truyền để nâng cao trình độ, nhận thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân. Cùng với đó, hai huyện cần tận dụng thế mạnh hiện có để giải quyết việc làm cho người lao động. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, công trình thủy lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương…
Sở Dân tộc và Tôn giáo Khánh Hòa đang phối hợp với các sở, ngành rà soát các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành những chính sách mới phù hợp; tiếp tục hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để họ có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi, không để tình trạng tự phát, manh mún, trồng cây không chăm sóc, phân bón, tưới tiêu.
Bày tỏ vui mừng trước kết quả hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã ra khỏi danh sách huyện nghèo, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, điều cần làm trước mắt là xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vươn lên thành hộ khá, hộ giàu về cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần xây dựng nên những vùng quê miền núi khá, vùng đất giàu có, thay đổi hẳn diện mạo vùng cao Khánh Hòa.
Tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn theo quy định để đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với lợi thế của địa phương. Khánh Sơn sẽ tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, dược liệu…, đảm bảo đầu ra ổn định thông qua việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã. Còn Khánh Vĩnh sẽ tận dụng các thế mạnh về lâm nghiệp và phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống để thu hút du khách.
Những kết quả hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã đạt được là dấu ấn đáng nhớ. Việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tương lai sẽ mở ra tính liên kết vùng, tạo dư địa mới để vùng cao Khánh Hòa phát triển, không gây gián đoạn hoạt động của người dân trong phát triển và giảm nghèo bền vững./.(Hết)