Văn hóa

Nghệ sỹ tài năng độc tấu tác phẩm danh tiếng thế giới ở Hà Nội

Nghệ sỹ kèn bassoon trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Văn Thanh Hà, đang là bè trưởng bassoon, tổ trưởng tổ kèn gỗ và là nghệ sỹ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Nghệ sỹ bassoon Văn Thanh Hà (Ảnh: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam).

TTXVN - Thông tin từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết: Nghệ sỹ kèn bassoon tài năng Văn Thanh Hà sẽ độc tấu tác phẩm danh tiếng thế giới trong buổi hòa nhạc tối 28/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh và các nghệ sỹ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Jonas Alber người Đức.

Nghệ sỹ Văn Thanh Hà sẽ độc tấu bản concerto dành cho basson cung Fa trưởng, Op.75 của nhà soạn nhạc Carl Maria von Weber. Tác phẩm này được sáng tác từ năm 1811 và chỉnh sửa hoàn thiện vào năm 1822. Đây là tác phẩm thường xuyên được trình diễn trong nhạc mục viết cho kèn, chỉ xếp sau bản của Mozart ở cùng thể loại về tầm quan trọng đối với các nghệ sỹ bassoon. Bản concerto gồm 3 chương.

Nghệ sỹ Văn Thanh Hà sinh năm 1983; anh theo học kèn bassoon tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự giảng dạy của Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phúc Linh. Là một nghệ sỹ tâm huyết, Văn Thanh Hà luôn trau dồi bản thân. Anh đã tham gia khóa học nâng cao về hòa tấu tại Thụy Điển. Năm 2011, anh tham gia tập luyện và biểu diễn tại Na Uy. Nghệ sỹ Văn Thanh Hà từng giành giải Nhất cuộc thi ASEAN Symphonic Band, diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào năm 2007. Anh đã tham gia biểu diễn trên các sân khấu thế giới, qua những lần hợp tác cùng Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á; diễn cùng Dàn nhạc Nagoya, Nhật Bản năm 2004...

Từ năm 2008 đến nay, Văn Thanh Hà là nghệ sỹ bassoon trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Hiện anh đảm nhiệm chức vụ bè trưởng bassoon, tổ trưởng tổ kèn gỗ và là nghệ sỹ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Trong buổi hòa nhạc này, công chúng yêu âm nhạc còn được thưởng thức khúc mở đầu của vở opera "Cây sáo thần" nổi tiếng của nhà soạn nhạc W.A.Mozart. Đích thân Mozart đã chỉ huy buổi công diễn đầu tiên vở diễn này tại Vienna, vào năm 1791, trước khi ông qua đời. Tác phẩm đã trở thành kinh điển cho thể loại opera trên sân khấu thế giới bởi cốt truyện đặc sắc cùng phần âm nhạc đỉnh cao.

Khúc mở đầu của vở cũng như trong nhiều tác phẩm khác, đều mang tính dẫn dắt, chuẩn bị cho khán giả bầu không khí của câu chuyện sắp diễn ra. Nhưng với "Cây sáo thần", Mozart đã liên kết tất cả âm điệu của cả khúc nhạc mở đầu và phần nhạc trong vở với nhau bằng một mô- típ nổi bật gồm ba hợp âm. Mô - típ này vang lên ở ngay mở đầu khúc nhạc, sau đó được nhắc đi nhắc lại trong cả khúc mở đầu và xuyên suốt vở kịch, là điểm nhấn cho những phân cảnh quan trọng.

Về hình thức, khúc mở đầu của vở "Cây sáo thần" mang cấu trúc sonata cổ điển, gồm ba phần. Về âm sắc, khán giả có thể nhận ra những cây đàn góp mặt trong khúc mở đầu đều thuộc biên chế cơ bản của dàn nhạc giao hưởng thời cổ điển với nguyên dàn dây gồm violin, viola, cello và contrebass; các nhạc cụ bộ gỗ gồm sáo flute, kèn oboe, clarinet, bassoon và bộ đồng có kèn cor, trumpet, trombone và trống timpani thuộc bộ gõ.../.

Hà Trang

Tin liên quan

Xem thêm