Giáo dục

Nghị định, Thông tư hướng dẫn cần khoa học, thực tiễn để Luật Nhà giáo thực sự đi vào cuộc sống

Đứng trước những yêu cầu mới, nội dung quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo phải mang tính cách mạng, vượt trội, đón đầu những xu hướng phát triển của thời đại trong kỷ nguyên mới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo.
Ảnh: TTXVN phát

Sáng 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.

*Góp ý xây dựng 3 Nghị định, 12 Thông tư

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Ngày 16/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà giáo đáp ứng niềm mong mỏi của hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Cơ quan chủ trì là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tham vấn, xây dựng và hoàn thiện luật, đáp ứng được những quan điểm, mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Luật Nhà giáo được ban hành là căn cứ pháp lý cao nhất nhưng mới chỉ mang tính chất luật khung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Từ nay đến thời điểm Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành (1/1/2026), Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nghiên cứu, xây dựng các nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành những điều khoản hết sức chi tiết. Đây là những nghị định, thông tư quan trọng và phức tạp, quy định những nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. Việc xây dựng các văn bản này phải tiếp cận trên cơ sở bám sát đầy đủ những căn cứ về pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc khoa học nhất, thực tiễn nhất, hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo về cơ cấu và chất lượng để xây dựng những thế hệ học sinh đủ năng lực, trí tuệ bước vào kỷ nguyên mới.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) báo cáo đề dẫn.
Ảnh: TTXVN phát

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1/1/2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư. Trong đó, 3 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo, Nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo, Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành Giáo dục; 12 Thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đồng thời phải nghiên cứu, xây dựng các Thông tư quy định về chế độ làm việc, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Ông Vũ Minh Đức chia sẻ: Việc hoàn thành số lượng văn bản nêu trên trong thời hạn 6 tháng với nguồn lực hạn chế về đội ngũ nhân sự thực hiện là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, việc thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp tác động lớn đến các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, đòi hỏi quá trình xây dựng phải liên tục cập nhật, bảo đảm tính đồng bộ với những thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan. Đứng trước những yêu cầu mới, nội dung quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo phải mang tính cách mạng, vượt trội, đón đầu những xu hướng phát triển của thời đại trong kỷ nguyên mới.

Tại thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đồng thời triển khai sửa đổi, bổ sung cùng lúc 3 Luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong 3 Luật nêu trên, các vấn đề về toàn bộ nhân sự giáo dục trong trường học, bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên... được quan tâm, sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Nhà giáo, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới.

*Lấy đổi mới sáng tạo và hiệu suất của nhà giáo làm thước đo

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ về bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến định hình vai trò, chính sách của nhà giáo, nhà lãnh đạo và nhân sự giáo dục; các góc nhìn đa chiều về chính sách nhà giáo trong nước và quốc tế để tham gia, góp ý, phản biện, tư vấn các chính sách nhà giáo tốt hơn.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Luật Nhà giáo vừa được ban hành là đạo luật nâng cao vị thế của đội ngũ giáo viên, trong đó, quy định về lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã khẳng định một cách rõ ràng, giáo dục đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước. UNESCO đánh giá cao việc cải cách giáo dục một cách toàn diện của Việt Nam từ việc miễn học phí, triển khai dạy học 2 buổi/ngày…, thể hiện sự công bằng trong giáo dục.

UNESCO đã đồng hành với Việt Nam từ giai đoạn đầu xây dựng chính sách nhà giáo và cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy về bình đẳng giới, phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng trường học hạnh phúc. Ông Jonathan Wallace Baker cho biết: Thời gian tới, UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về chuyển đổi số, lấy công nghệ làm trung tâm, đảm bảo tính tập trung. Chúng ta cần có hệ thống dữ liệu tích hợp để hỗ trợ giáo viên và toàn thể đội ngũ, nhân sự tư vấn tâm lý học đường, y tế…; giải quyết sự thiếu hụt trong nhu cầu nhân sự tại các địa phương, hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ thông tin để tăng cường năng lực chuyên môn, cải thiện quản lý trường học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về nội dung của Luật Nhà giáo.
Ảnh: TTXVN phát

Đề xuất các chính sách cụ thể để phát triển đội ngũ nhà giáo, ông Phạm Mạnh Hà, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Cần quy định trong các Thông tư chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, nhân viên, trong đó xác định rõ tiêu chuẩn về chuẩn năng lực số và khả năng ứng dụng AI là yêu cầu bắt buộc; đồng thời xây dựng nội dung bồi dưỡng này trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho toàn bộ nhân sự ngành giáo dục, bao gồm cả giảng viên và nhân viên hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một Khung đánh giá hiệu suất thực chất, linh hoạt, lấy sự đổi mới sáng tạo và đóng góp thực tiễn làm trọng tâm, thay vì chỉ dựa vào thâm niên hay các chỉ số hành chính. Khung này cần được áp dụng đồng bộ cho cả nhân sự hỗ trợ nhằm tạo lộ trình phát triển công bằng, minh bạch. Cần xem xét cơ chế xét thăng hạng đặc cách, linh hoạt hơn cho những cá nhân có thành tích vượt trội, thay vì quy định cứng về thời gian giữ hạng 9 năm như hiện nay.

Nhận định Luật Nhà giáo 2025 đã có một số bước đi mang tính đột phá trong việc hoàn thiện thể chế giáo dục, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục của UNESCO đề xuất, trong thời gian tới cần tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo theo phân cấp, phân quyền; nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các bên liên quan theo tinh thần kiến tạo phát triển nhà giáo và nhân sự giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chú trọng đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và nhân sự giáo dục theo định hướng sẵn sàng cho tương lai; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà giáo và nhân sự giáo dục phục vụ xây dựng chính sách, giám sát, đánh giá./.


Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm