Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 (Phần 1)
Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
TTXVN - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; chủ động, quyết liệt, kịp thời, sát thực tiễn và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành; tận dụng thời gian, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp; khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động, chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định, đặc biệt là mặt hàng điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết; cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, cơ quan được giao chủ trì các dự án luật chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực quản lý. Các địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Các địa phương khẩn trương trình hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh đối với những quy hoạch tỉnh chưa được thẩm định; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để che giấu ma túy, tiền chất sản xuất ma túy.
Các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ trì triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và 03 dự án đạm. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại đối với 04/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương còn lại.
Thực hiện nghiêm quy định bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy
Các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản pháp luật theo quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện nghiêm quy định bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, hướng dẫn đầy đủ, thống nhất việc sử dụng dữ liệu dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn.
Các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại các Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, số 107/2021/NĐ-CP và số 42/2022/NĐ-CP một cách thực chất, hiệu quả; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp Bộ Nội vụ triển khai việc cập nhật, kết nối, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/4/2023.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng các Quý tiếp theo và cả năm 2023, đề xuất các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao. Phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Xem xét thực hiện các biện pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng); khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, theo dõi, đánh giá Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 của Chính phủ và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để xử lý phù hợp, hiệu quả các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay theo quy định pháp luật; nghiên cứu, khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo Kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới và theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…
Khơi thông thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp; khơi thông thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản; tập trung tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến cung cầu, thị trường giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, lương thực thực phẩm, chủ động, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp bình ổn thị trường theo quy định.
(Còn nữa)