Cả nước hiện có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,98%); nộp ngân sách hơn 383 tỷ đồng (tăng 8,5%).
TTXVN - Sáng 22/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024.
Hội nghị đề ra mục tiêu năm 2024 là: Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng, khai thác hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để hướng tới chuyển đổi số; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và xuất bản để hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các nhà xuất bản. Đồng thời, cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển nhà xuất bản số, triển khai giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong điều hành, giám sát hoạt động, xử lý vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là quản lý nội dung xuất bản phẩm, hạn chế thấp nhất việc để xảy ra vi phạm về chính trị, tư tưởng; tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, phòng, chống in lậu.
Về phía các nhà xuất bản cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Xuất bản, quy định của Đảng, văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng kế hoạch và có sự đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật nhằm phục vụ việc phát triển xuất bản điện tử; đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc áp dụng biện pháp công nghệ; nghiên cứu những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh... Các cơ sở phát hành xuất bản phẩm đẩy mạnh đầu tư để khôi phục, phát triển hoạt động phát hành; tích cực chuyển đổi phương thức quản trị, bán hàng, phát hành xuất bản phẩm, kết hợp giữa phương thức truyền thống, trực tiếp, trực tuyến để đưa xuất bản phẩm đến với người mua nhanh chóng, hiệu quả, rút ngắn khoảng cách giữa các thị trường, đưa được nhiều xuất bản phẩm phù hợp đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; chủ động ký kết chương trình hợp tác chiến lược với đơn vị logistic để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, nâng cao hiệu quả phục vụ...
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương, 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. Năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,98%); nộp ngân sách hơn 383 tỷ đồng (tăng 8,5%). Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%). Có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản, phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản. Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến 31/12/2023, đã có 24 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%) , góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.
Liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, năm 2023, trên cơ sở kết quả đọc, kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu trên 1.100 xuất bản phẩm và thông tin phản ánh, kiến nghị, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 25 xuất bản phẩm vi phạm (giảm 3,8%). Trong đó, có 21 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (giảm 16%), 4 xuất bản phẩm vi phạm khác (tăng 4 lần). Bên cạnh đó, Cục đã giải quyết 4 vụ việc phản ánh, kiến nghị của các đơn vị liên quan, cơ quan báo chí và bạn đọc đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản (giảm 55,6%); phối hợp cung cấp thông tin phục vụ kiểm tra, xử lý của các Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan chức năng đối với 2 vụ việc (giảm 85,7%)./.