Văn hóa

Ngộ nghĩnh hình tượng rồng trong mắt người trẻ

Những ngày đầu năm mới, nhiều du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám du Xuân không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm những bức tranh vẽ con rồng - linh vật năm Giáp Thìn 2024 của các họa sỹ trẻ.

Khách tham quan triển lãm "Vẽ con rồng" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Phương Lan)

TTXVN - Trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt từ xưa đến nay, con rồng có vị trí đặc biệt. Hình tượng con rồng thường xuất hiện trong cung vua phủ chúa, nơi thờ tự trang nghiêm… tạo cảm giác tôn quý, linh thiêng, quyền uy và rất được kính trọng. Nhưng, trong con mắt của những người trẻ, con rồng trở thành những nhân vật dung dị, gần gũi và rất đỗi thân quen.

* Người trẻ vẽ con rồng…

Những ngày đầu năm mới, nhiều du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám du Xuân không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm những bức tranh vẽ con rồng - linh vật năm Giáp Thìn 2024 của các họa sỹ trẻ. Mỗi tác phẩm mang một vẻ đẹp, một câu chuyện ý nghĩa được sáng tạo theo tư duy mới lạ của người trẻ, mang đến cho người xem cảm giác thú vị và cuốn hút.

Lấy cảm hứng từ văn hóa vỉa hè, họa sỹ trẻ Nguyễn Mai Anh, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã sáng tạo tác phẩm “Cà phê sáng”, với hình ảnh một chú rồng mặc bộ áo tứ thân, ngồi thảnh thơi vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa ngắm phố phường. Họa sỹ Nguyễn Mai Anh chia sẻ, tác phẩm lấy bối cảnh trên một khu phố cổ Hà Nội và hình tượng chú rồng dễ thương ngồi vỉa hè uống cà phê sáng với mong muốn giới thiệu đến người xem một nét văn hóa giản dị, gần gũi của người Việt.

Họa sỹ trẻ Mai Hòa lựa chọn thể hiện hình tượng con rồng qua một trò chơi gian trong tác phẩm “Tò he” - một đồ chơi dân gian đặc trưng của người Việt. “Thông qua bức tranh, tôi gửi gắm đến người xem thông điệp hãy cùng chung tay góp phần gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa của người Việt”, họa sỹ Mai Hòa chia sẻ.

Trong khi đó, họa sỹ trẻ Trần Cảnh Tâm với tác phẩm “Thành phố Rồng Hà Nội” lại khắc họa hình ảnh một chú rồng bao trọn cả thành phố Hà Nội, với vảy rồng là những mái ngói xưa, kết hợp với cây xanh thiên nhiên, tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn.

Họa sỹ minh họa Chi Chi với tác phẩm “Tàu đưa Tết về” tràn ngập nét vô tư, hồn nhiên. Hình tượng con rồng trong tác phẩm được thể hiện thành chuyến tàu sẵn sàng khởi hành, đưa các hành khách bình an về nhà dịp Tết để xum vầy với gia đình. Họa sỹ Lam Hạ lấy cảm hứng từ tạo hình rồng thời Lý và những hạt giống chuẩn bị nảy mầm, để tạo nên tác phẩm “Mầm 2024” với hy vọng về một năm 2024 tràn đầy nhựa sống. Họa sỹ Lim lấy cảm hứng từ một trò chơi dân gian, để sáng tạo hình ảnh một con rồng đang vui vẻ chơi đùa cùng các em nhỏ như gợi nhớ về hình ảnh gia đình, bạn bè quây quần bên nhau và tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp trong những ngày Tết.

Triển lãm "Vẽ con rồng" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Phương Lan)

Họa sỹ minh họa Shiro Nguyễn lấy ý tưởng từ câu chuyện “Giải cứu thanh long” để sáng tạo ra một con rồng từ những quả thanh long với sự mới lạ, tươi ngon. Tác phẩm “Gói bánh chưng” của họa sỹ Tahtag khắc họa hình ảnh một chú rồng đang học làm bánh chưng, vui không khí Tết Giáp Thìn với nhân dân…

Các tác phẩm vẽ rồng của các họa sỹ trẻ được sáng tạo từ cảm hứng trong truyền thuyết, phim, truyện, từ văn hóa dân gian… trong đó, có nhiều tác phẩm vẽ rồng được sáng tạo từ chính đời sống sinh hoạt giản dị thường ngày.

Chị Nguyễn Thu Hồng, du khách đến từ Long Biên chia sẻ, chị vô cùng thích thú khi ngắm các bức tranh vẽ rồng của những bạn trẻ ở đây, đồng thời cũng rất ngạc nhiên bởi sự tưởng tượng phong phú, đa dạng nhưng cũng rất đỗi gần gũi của các bạn trẻ về hình tượng con rồng - vốn là con vật linh thiêng trong văn hóa của người Việt.

* Tạo nên giá trị thẩm mỹ của thế hệ trẻ

Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Con rồng là vật linh thiêng trong tâm thức người Việt, hình tượng con rồng thường xuất hiện trong cung vua phủ chúa, nơi thờ tự trang nghiêm… mang đến cho chúng ta cảm giác tôn quý, xa xôi, nhưng trong con mắt của các bạn trẻ, những con rồng lại trở nên rất gần gũi, thân thuộc, dung dị, gắn với những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống và xã hội đương đại như uống cà phê, ngồi trà đá vỉa hè... nhưng lại tràn đầy sức sống, mang đến cho người xem cảm nhận về sức sống mới trong năm mới Giáp Thìn…

Bày tỏ sự thích thú với những câu chuyện đầy ẩn ý, trong những nét vẽ sáng tạo của các họa sỹ trẻ, Tiến sỹ Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chia sẻ: Qua cách nhìn của người trẻ, con rồng trở nên gần gũi hơn, được gắn với những ý nghĩa mới hay hóa thân vào các nhân vật trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí cả trong phim hoạt hình, truyền thuyết...

Du khách nước ngoài thích thú với những tác phẩm vẽ rồng của các họa sỹ trẻ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Phương Lan)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Phước Hải Trung, các bạn trẻ đã để lại dấu ấn đậm nét đối với cách nghĩ của mình về hình tượng con rồng. Tất cả câu chuyện các bạn trẻ đề cập đều dựa trên lịch sử, nhưng có sự tương tác và tưởng tượng phong phú. Giới trẻ nhìn con rồng như cá thể tham gia vào cuộc sống, tâm hồn, thậm chí cuộc sống vật chất, khi cho rồng hóa thân vào nhân vật, hóa thân vào đâu đó trong không gian tồn tại của chúng ta. Rồng lấp ló trong những đám mây, rồng duỗi thân ra theo những công trình kiến trúc, rồng thảnh thơi ngồi uống cà phê, hay hóa thân trong mái nhà che chở cho cuộc sống đồng ấm… Tất cả những tưởng tượng của các bạn trẻ với cách nghĩ đa chiều, đa dạng đã làm cho con rồng toát lên một giá trị thẩm mỹ mới - đó là giá trị của thế hệ trẻ. Chúng ta đã có rồng thời Lý, Trần, Lê, Hồ, Nguyễn… giờ chúng ta có rồng của thế hệ trẻ. Người trẻ đã bồi đắp, tiếp biến giá trị của di sản, để di sản hòa nhập vào cộng đồng và lan tỏa với một sức sống trường tồn, chứ không chỉ trong những trang tư liệu, trong sách vở, trong các công trình kiến trúc…

"Với lối nghĩ, cách tiếp cận nghệ thuật đương đại của người trẻ, hình ảnh con rồng khác hơn, mới hơn và điều đó tạo ra một giá trị mới. Khi giá trị mới hòa trong không gian cổ kính, truyền thống lại càng tôn lên sự đặc biệt. Và đây là điều mà những người làm trong lĩnh vực di sản nên hướng tới”. Tiến sỹ Nguyễn Phước Hải Trung chia sẻ.

Cùng chung nhận định này, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, những cảm thức về linh vật qua sự sáng tạo của giới trẻ giúp các tác phẩm giữ được tính biểu tượng, bên cạnh đó lại có những hình ảnh gần gũi, gắn với các trò chơi dân gian. “Hình ảnh con rồng vừa giữ được vẻ đẹp thiêng liêng, nhưng cũng vô cùng gần gũi mang đến cho người xem những cảm nhận về sức sống mới trong năm mới Giáp Thìn. Và trong không gian thiêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các tác phẩm mang đến cho người xem cảm giác thiêng liêng, mới mẻ, những giá trị văn hóa tốt đẹp đang định hình từ những sức sáng tạo rất mới như hiện nay”, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định./.


Phương Lan

Tin liên quan

Xem thêm