Văn hóa

Gieo tình yêu với sách

TP. Hồ Chí Minh

Mở rộng các không gian sách công cộng và trang bị sách cho thư viện cơ sở là những định hướng mà Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng trong công tác phát triển văn hóa đọc.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh thu hút các bạn trẻ tới tìm hiểu, mua sách. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Tạo không gian sách lớn và chủ động đưa sách đến gần bạn đọc là một trong những giải pháp hiệu quả để gieo tình yêu với sách, say mê khám phá kiến thức qua sách, từ đó khiến việc đọc dần trở thói quen và nhu cầu của mỗi người.

Vì thế, mở rộng các không gian sách công cộng và trang bị sách cho thư viện cơ sở là những định hướng mà Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng trong công tác phát triển văn hóa đọc.

Mở rộng các không gian sách

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Văn Bình (Quận 1) là mô hình đường sách đầu tiên được triển khai trong cả nước và là một trong số ít đường sách trong cả nước gặt hái được nhiều thành công sau hơn 8 năm hoạt động. Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò trong sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của Thành phố và cả nước.

Trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, năm 2023, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Doanh thu đạt 59,3 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022, cao nhất từ khi đi vào hoạt động. Ước tính có 3,3 triệu lượt khách đến Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 10% so với năm 2022, đặc biệt là du khách quốc tế. Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành là 1 trong 100 điều thú vị của Thành phố trong mắt người dân và du khách.

Không chỉ là nơi bán sách, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự là một điểm đến văn hóa khi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, chính trị của Thành phố. Các hoạt động thường xuyên như giao lưu giới thiệu sách, sân chơi tương tác; hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với văn hóa đọc, xuất bản phẩm được tổ chức tại đây đã góp phần đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, tác động đến việc hình thành thói quen đọc sách của người dân Thành phố. Cùng với đó, nhiều sự kiện văn hóa lớn diễn ra tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo dấu ấn đặc biệt cho ngành xuất bản, văn hóa thành phố.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhộn nhịp, thu hút đông đảo bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu sách. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động trải nghiệm về sách cho học sinh là một trong những nội dung trọng tâm Đường sách Thành phố tập trung trong năm 2024. Theo đó, Đường sách sẽ phối hợp với các đơn vị xuất bản, phát hành, các hội văn học nghệ thuật tổ chức các chương trình hoạt động giao lưu, nói chuyện về sách, chuyên đề về lịch sử, văn hóa địa phương, các chủ đề gắn với chương trình giáo dục trong nhà trường, giới thiệu sách và viết cảm nhận về sách…Các hoạt động đó sẽ góp phần gieo niềm say mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong trường học. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà ngành Xuất bản Thành phố và cả nước hướng đến.

Nối dài sự thành công của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2023, ở phía Đông của Thành phố, Đường sách thành phố Thủ Đức đã chính thức đi vào hoạt động phục vụ công chúng với kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Nằm trên con đường trung tâm của thành phố Thủ Đức (đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú), Đường sách thành phố Thủ Đức được kỳ vọng góp thêm một điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân, một điểm đến thú vị cho du khách khi ghé thăm địa phương này.

Người dân tìm, đọc sách tại đường sách Thủ Đức. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Mới đi vào hoạt động, Đường sách thành phố Thủ Đức cũng đã thu hút được nhiều lượt khách. Khách hàng chủ yếu là các gia đình đưa con đến tham quan, mua sách và trải nghiệm các hoạt động về sách.

Thường đưa hai con đến Đường sách thành phố Thủ Đức vào dịp cuối tuần, chị Nguyễn Thu Phương (phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức) chia sẻ niềm vui khi có thêm một điểm đến mới cho cả gia đình. Đường sách khá gần nhà chị, việc di chuyển đến đây thuận tiện hơn so với đến Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Một điểm cộng nữa là đường sách này có không gian rộng rãi, thoáng mát. Cùng với đa dạng đầu sách đáp ứng với nhu cầu của các thành viên trong gia đình, các hoạt động tương tác, trò chơi ở các gian hàng hay tô tượng ở các quán cà phê sách rất thú vị với các bạn nhỏ. Chị Phương rất mê gian hàng sách cũ bởi ở đó chị có thể tìm được những quyển sách hay.

Sự thành công trong hoạt động các không gian sách như đường sách, công viên sách đã trở thành điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc của Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng các đường sách, không gian sách công cộng lớn ở các trục phía Tây, Nam, Bắc của Thành phố, để người dân có điều kiện thụ hưởng văn hóa đọc.

Cùng với các không gian sách cố định, Lễ hội Đường sách Tết Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm qua đã trở thành điểm đến văn hóa thú vị thu hút người dân vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mỗi năm, Lễ hội Đường sách không ngừng mở rộng quy mô, đa dạng chương trình và tạo nhiều điểm nhấn mới mẻ, sáng tạo trong thiết kế. Một điểm mới thú vị và ý nghĩa trong Lễ hội Đường sách Tết năm nay đó là hoạt động lì xì sách. Hơn 16.000 bản sách sẽ được trao tặng du khách khi đến tham quan Lễ hội trong ngày đầu năm mới, như lời cảm ơn và lời chúc may mắn của các đơn vị gửi đến bạn đọc. Những người làm sách còn mong muốn hoạt động lì xì Tết bằng sách, tặng quà bằng sách sẽ trở thành một nét văn hóa riêng của người dân Thành phố.

Lễ hội Đường sách Tết năm nay còn có sự chuyển mình cùng chuyển đổi số khi tạo các không gian số phục vụ khách tham quan như trải nghiệm thư viện số, triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan, mã hóa QR các tài liệu, hình ảnh; các gian hàng đều áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt... Những nỗ lực đổi mới đó không chỉ nhằm tạo một không gian trải nghiệm du Xuân, vui Tết ý nghĩa mà Lễ hội còn góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa tình yêu với sách, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển trong cộng đồng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trang bị sách cho cơ sở

Cùng với hệ thống của các đơn vị xuất bản, phát hành, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống thư viện rộng khắp địa bàn địa phương với hơn 1.500 thư viện cơ sở; bên cạnh đó là hơn 1.150 thư viện trường học. Việc cung cấp trang bị bổ sung sách cho các các cơ sở trên địa bàn được Thành phố chú trọng.

Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố phối hợp với các đơn vị trang bị, bổ sung 12.798 quyển sách, trong đó có 72 tựa sách tương ứng với 3.098 quyển sách lý luận, chính trị, giáo dục truyền thống và sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tại xã, thị trấn.

Sở còn trao 10 tủ sách “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” tặng thư viện các trường tiểu học ở 5 huyện ngoại thành, góp phần làm phong phú tủ sách ở cơ sở phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu và nâng cao kiến thức cho mọi đối tượng. Thành phố đang hướng đến mục tiêu xây dựng 5 triệu cuốn sách tại các thư viện trên địa bàn thành phố vào tháng 4/2025.

Những cuốn sách được đưa vào chương trình không chỉ có sách in mà sẽ bao gồm cả các đầu sách điện tử, phục vụ nhu cầu đọc đa dạng của độc giả.

Bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè chia sẻ, từ chương trình trang bị sách cho cơ sở, thư viện ở các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện có thêm nhiều đầu sách giá trị, làm phong phú thêm đầu sách phục nhu cầu đọc sách của cán bộ, người dân. Phong trào đọc sách nhờ đó ngày càng được lan tỏa. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để địa phương tiếp tục phấn đấu, nỗ lực và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc.

Đọc sách là thói quen tốt, giúp các em nâng cao kiến thức, tiếp nhận được nhiều điều bổ ích. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Thành phố dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác phát triển văn hóa đọc. Nhiều thiết chế văn hóa đọc đã được xây dựng và trở thành điểm nhấn của hoạt động xuất bản cả nước. Không chỉ ngành Xuất bản, công tác phát triển văn hóa đọc đã được lan tỏa đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân thành phố bằng rất nhiều hình thức và có sự đầu tư tâm huyết, kiên trì qua từng năm.

Nhằm tiếp tục đề xuất giải các pháp hiệu quả trong phát triển văn hóa đọc, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện khảo sát tỷ lệ đọc sách của người dân và học sinh. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện khảo sát này.

Các nội dung của cuộc khảo sát là cơ sở để Thành phố đánh giá thực trạng, thói quen đọc sách của người dân thành phố cũng như đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân của hoạt động xuất bản tại Thành phố. Từ đó, Sở tiếp tục đề xuất giải pháp hiệu quả nâng cao tỷ lệ đọc sách, triển khai các chính sách phát triển văn hóa đọc trên địa bàn; củng cố, cải thiện chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc, môi trường đọc./.

Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm