Khai thác văn hóa ẩm thực Nam Bộ trong phát triển du lịch: * Bài 2: Tạo sự khác biệt, nâng giá trị điểm đến
Để khai thác hiệu quả hơn giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch Nam Bộ, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có giải pháp đầu tư, khai thác sản phẩm theo chiều sâu, góp phần tạo sự khác biệt, nâng giá trị điểm đến.
TTXVN - Sức hấp dẫn của văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, ẩm thực Nam Bộ nói riêng đối với du khách đã được khẳng định. Tại mỗi điểm đến, du khách không chỉ tham quan di tích, cảnh quan, thưởng thức món ăn mà còn được khám phá, trải nghiệm cách chế biến, nghe câu chuyện thuyết minh liên quan đến từng đặc sản, thể hiện nét văn hóa của người dân bản địa.
Để khai thác hiệu quả hơn giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch Nam Bộ, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có giải pháp đầu tư, khai thác sản phẩm theo chiều sâu, góp phần tạo sự khác biệt, nâng giá trị điểm đến.
*Nhiều sự kiện, sản phẩm du lịch ẩm thực
Du lịch Việt Nam xác định ẩm thực là một trong các yếu tố quan trọng, góp phần tạo chất lượng và thương hiệu, thu hút khách, tăng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ẩm thực góp phần quan trọng trong xây dựng hình ảnh, gia tăng lợi ích cho hoạt động du lịch, dịch vụ.
Thạc sỹ Phạm Thu Huyền (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, với khách du lịch, ăn uống không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu mà được xem là nghệ thuật. Ẩm thực là nghệ thuật đặc biệt. Nghệ thuật nấu ăn và cách ăn uống của người Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên bạn bè năm châu khen món ăn Việt Nam ngon, nhiều nhà hàng của người Việt mở ra ở các nước thu hút đông đảo thực khách bản xứ. Các Festival quảng bá văn hóa Việt Nam, lễ hội ẩm thực Việt Nam, trong đó, có ẩm thực Nam Bộ luôn là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn du khách.
Từ góc độ địa phương, bà Đào Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ) cho biết, một trong những điểm nhấn, mang đến cho du khách trải nghiệm và thưởng thức nhiều đặc sản từ vùng đất phương Nam, hằng năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), thành phố tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ. Qua đó, giới thiệu giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống; đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian, khuyến khích nghệ nhân liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng thị trường.
Nhiều loại bánh gắn với đời sống người dân Nam Bộ, độc đáo từ tên gọi đến cách chế biến như, bánh bò nướng, bánh bò thốt nốt, bánh dừa nướng, bánh hỏi mặt võng, bánh xèo, bánh tằm, bánh tét, bánh còng, bánh khoai mì, bánh da lợn, bánh tai yến, bánh lá mít, bánh chuối đập… được du khách hào hứng trải nghiệm cách làm và thưởng thức.
Với địa phương cực Nam trên đất liền Tổ quốc, Ngày hội Cua Cà Mau chủ đề “Cua Cà Mau - điểm hẹn văn hóa ẩm thực” từng được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuối năm 2022, trở thành điểm nhấn ấn tượng. Nhiều du khách trầm trồ khi thưởng thức và chứng kiến lễ xác lập kỷ lục sự kiện giới thiệu 69 món ăn chế biến từ cua Cà Mau do tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận. Không những thế, du khách còn được hòa mình vào không khí náo nhiệt của cuộc thi “Đua cua tốc độ”, trình diễn trói cua đầy hấp dẫn.
Không chỉ có lễ hội, sự kiện liên quan đến văn hóa ẩm thực, với mong muốn du khách thưởng thức ẩm thực gắn trải nghiệm văn hóa, nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trong tour, tuyến luôn chú ý giới thiệu tới du khách hoạt động trải nghiệm gắn thưởng thức ẩm thực đặc sắc nhất ở từng địa phương.
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T Bến Tre cho biết, đón khách tới Bến Tre, doanh nghiệp luôn nỗ lực xây dựng trải nghiệm đậm nét văn hóa bản địa. Trong đó, không thể thiếu trải nghiệm gắn với ẩm thực xứ Dừa. Du khách đi bắt nghêu, sò trên bãi biển Ba Tri, câu cá, bắt tôm, cua, cá và dùng cơm trưa với món ăn được chế biến trực tiếp từ sản vật biển. Du khách có thể đi xuồng, ghe, qua kênh, rạch, đến lò làm kẹo dừa, làng nghề làm bánh phồng, tự tay cắt kẹo, tráng bánh. Du khách khám phá, tìm hiểu đời sống người dân xứ Dừa qua hoạt động như đám cưới quê Dừa, bữa cơm xứ Dừa, đêm làng quê xứ Dừa đi xem đom đóm, mang lại ấn tượng rất khác biệt.
*Thưởng thức ẩm thực để tăng trải nghiệm
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực, nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Nam Bộ còn dư địa để khai thác hiệu quả hơn nữa, tạo chiều sâu cho sản phẩm, thu hút du khách đến lưu trú thời gian nhiều hơn.
Đề cập giải pháp phát triển du lịch từ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tổ chức tại Cần Thơ thời gian tới, bà Đào Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ) cho biết, qua 10 lần tổ chức, lễ hội trở thành sự kiện du lịch đặc trưng, điểm nhấn văn hóa ẩm thực của vùng, vừa mang nét truyền thống vừa mang tính hiện đại, tạo sân chơi cho tổ chức, nghệ nhân trình diễn cách chế biến các loại bánh theo phương pháp truyền thống.
Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội dân gian truyền thống, góp phần phát triển du lịch, Cần Thơ quan tâm nâng cao chất lượng, tính độc đáo, hấp dẫn của bánh dân gian, tạo sự khác biệt để đặc sản ẩm thực bánh dân gian có sức hút du khách, đặc biệt quan tâm tổ chức, quản lý, khai thác Lễ hội Bánh dân gian ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp. Ngành Văn hóa, Thể Thao, Du lịch Cần Thơ tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, tiếp tục xây dựng chương trình tour, đưa du khách đến tham dự, trải nghiệm hoạt động tại lễ hội.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, địa phương được nhiều người biết đến là vùng đất Sen hồng. Sen từ đồng ruộng lên phố, gắn bó với cuộc sống người dân. Kỷ lục Việt Nam "tỉnh Đồng Tháp - nơi tổ chức sự kiện chế biến và công diễn các món ăn làm từ sen nhiều nhất Việt Nam" và kỷ lục thế giới "tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) - nơi tổ chức sự kiện và công diễn các món ăn làm từ sen nhiều nhất thế giới" được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập.
Để phát huy giá trị văn hóa ẩm thực từ sen, phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen, hằng năm, Đồng Tháp tổ chức Hội thi ẩm thực từ sen nhân sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh.
Tỉnh tăng cường giới thiệu món ăn chế biến từ sen đặc trưng của Đồng Tháp và địa điểm phục vụ món ăn chế biến từ sen đến đông đảo người dân, du khách. Đồng Tháp triển khai thực đơn 200 món ăn chế biến từ sen đến tất cả nhà hàng, khách sạn, homestay, khu, điểm du lịch, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Ngành chức năng tổ chức biên soạn, in ấn sách giới thiệu 200 món ăn chế biến từ sen và thực hiện “số hóa” cuốn sách, góp phần tăng sự lan tỏa giá trị của văn hóa ẩm thực gắn với sen hồng Đồng Tháp.
Đề xuất giải pháp phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch, góc nhìn từ ẩm thực của đồng bào Khmer Nam Bộ, Thạc sỹ Lê Quốc Hồng Thi (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần tăng cường quảng bá ẩm thực Nam Bộ nói chung, văn hóa ẩm thực Khmer Nam Bộ nói riêng thông qua ấn phẩm du lịch, phương tiện truyền thông, điện ảnh…
Các tỉnh duy trì và tăng cường tổ chức sự kiện giới thiệu văn hóa ẩm thực theo chủ đề vùng, miền, cuộc thi tay nghề chế biến món ăn, kết hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp phát triển nhiều hơn sản phẩm du lịch từ lợi thế văn hóa ẩm thực./.