Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng các không gian sách, đường sách ở nhiều địa phương khác, nhằm đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.
TTXVN - Sau hơn 7 năm hoạt động, mô hình Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) đã có những thành công nhất định trong việc lan tỏa, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Tiếp nối thành công đó, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng sẽ xây dựng các không gian sách, đường sách ở nhiều địa phương khác, nhằm đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, tạo đột phá phát triển văn hóa đọc.
* Giữ bản sách của đường sách
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh là mô hình đường sách đầu tiên triển khai trong cả nước. Có lợi thế lớn khi nằm ngay vị trí trung tâm của Thành phố, gần các điểm du lịch hấp dẫn khác, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến quen thuộc và thu hút được lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh được bình chọn là một trong 100 điểm đến thú vị của thành phố mang tên Bác.
Các hoạt động sôi nổi tại đường sách cùng hàng loạt hoạt động trải nghiệm về văn hóa đọc ở các gian hàng đã góp phần đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, có tác động lớn đến việc hình thành thói quen đọc, nâng cao văn hóa đọc cho người dân. Đường sách là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, du lịch; các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, đáp ứng nhu cầu bạn đọc cũng như yêu cầu phát triển của địa phương.
Chị Nguyễn Thu Phương (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, gia đình chị thích đến đường sách bởi đây là không gian lý tưởng, đầu sách phong phú. Vào mỗi dịp cuối tuần, chị đều dẫn các con đến đây để cùng tìm đọc, chọn sách và trải nghiệm các hoạt động thú vị về sách. Chị Phương mong rằng, việc cho các con thường xuyên tiếp cận với sách sẽ góp phần hình thành thói quen đọc cho các con từ khi còn nhỏ.
Năm 2022, lượng khách đến với Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 3 triệu lượt. Tổng doanh thu của các đơn vị tại Đường sách đạt 51,64 tỷ đồng, tăng 113,7% so với năm 2021; số bản sách bán ra tăng 40,8%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất cùng kỳ trong hơn 7 năm hoạt động của đường sách.
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu hoạt động của Đường sách là tiếp tục nâng chất lượng hoạt động, vừa làm mới mình nhưng cũng phải giữ được bản sắc riêng về sách, tạo không gian văn hóa về sách, thúc đẩy văn hóa đọc.
* Nhân rộng mô hình
Tiếp nối sự thành công của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, Đường sách thành phố Thủ Đức (trên đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú) vừa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/12/2023. Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Thủ đức, cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học trường phổ thông các cấp, Đường sách hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến, không gian thu hút nhiều người dân, bạn đọc lựa chọn.
Nhằm mục tiêu tạo thiết chế văn hóa ngoài trời hài hòa thiên nhiên, việc thiết kế xây dựng Đường sách thành phố Thủ Đức lấy cảm hứng từ vùng văn hóa Đông Nam Bộ với những chiếc cầu bắc ngang trước nếp nhà; tôn trọng cảnh quan cây xanh hiện hữu tại đường Hồ Thị Tư. Với chiều dài 190 m, rộng hơn 19 m, tổng diện tích hơn 3.500 m2, Đường sách thành phố Thủ Đức có hơn 20 gian hàng sách, cafe sách. Tại đây có các khu vực không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các sân khấu và không gian tương tác văn hóa đọc; không gian trưng bày triển lãm, hoạt động lễ hội… Kinh phí đầu tư xây lắp gian hàng và các không gian chức năng là 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Đường sách thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành một thiết chế văn hóa mới, một không gian văn hóa, tri thức, giáo dục, dịch vụ văn minh thông qua sự lan tỏa của sách và phát triển văn hóa đọc. Nơi đây sẽ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, sân chơi giải trí, điểm đến văn hóa tinh thần được yêu thích của người dân thành phố Thủ Đức và khu vực lân cận. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản, phát hành cho rằng, là đường sách ở địa phương, việc duy trì và phát triển hoạt động cũng như thu hút bạn đọc đến với Đường sách thành phố Thủ Đức được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì thế, cùng với hoạt động kinh doanh sách, các đơn vị hoạt động tại Đường sách sẽ phải liên tục tổ chức các sự kiện quảng bá sách, tổ chức các hoạt động tương tác, hoạt động bên lề để thu hút được đông đảo bạn đọc, người dân.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, sự ra đời của Đường sách thành phố Thủ Đức đã nối dài thành công của mô hình Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, một thành tựu trong thực hiện sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của Thành phố. Đây là đường sách thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là đường sách địa phương đầu tiên được phát triển thành công. Góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, Thành phố Hồ Chí Minh có định hướng tiếp tục xây dựng và phát triển các không gian sách, đường sách tại các địa phương trên địa bàn, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận, thưởng thức và đọc sách.
“Thành phố sẽ phát triển các không gian sách ở bốn trục của thành phố. Ở phía Đông, công trình Đường sách thành phố Thủ Đức đã trở thành hiện thực. Thời gian tới, phía Nam sẽ có đường sách ở Quận 7, dự kiến phía Tây sẽ có không gian sách ở quận Bình Tân và phía Bắc là ở Củ Chi”, ông Lâm Đình Thắng chia sẻ./.