Xã hội

Người lưu giữ văn hóa Sán Dìu ở Tam Đảo

Vĩnh Phúc

Từ nhiều năm nay, ông Lê Đại Năm (sinh năm 1965), xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu đào tạo và tìm người có thể thay mình tiếp tục bảo tồn những văn hóa của người Sán Dìu.

Nghệ nhân lê Đại Năm trong một buổi truyền dạy chữ Sán Dìu cho các cháu nhỏ. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - “Tôi là người dân tộc Sán Dìu, lớn lên bởi những văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào mình nên hơn ai hết, tôi yêu và luôn đau đáu với tâm nguyện phải làm thế nào để giữ mãi những giá trị truyền thống đó cho thế hệ sau này”.  Đó là lời tâm sự của ông Lê Đại Năm (sinh năm 1965), xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ nhân Ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca xã Đạo Trù.

Trong căn nhà nhỏ đầy ắp những sách, báo, tư liệu về văn hóa người Sán Dìu, nghệ nhân Lê Đại Năm chia sẻ: Từ nhỏ, ông đã được nghe mẹ của mình hát ru, đọc truyện cổ, truyện thơ… Những bài hát ru của mẹ khiến ông yêu thích và thuộc nhiều bài hát, truyện cổ của người Sán Dìu.

Như nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc khác, theo thời gian, những bài hát Sọng cô dần bị mai một và quên lãng. Điều này luôn khiến ông Năm trăn trở, đau đáu bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền. Năm 2010, ông xin thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô khu phố Chợ. Ông đi đến từng nhà, vận động những người có tuổi còn nhớ và hát được Soọng cô tham gia Câu lạc bộ. Rồi ông lại lặn lội đi từ làng này sang làng khác, tỉnh này đến tỉnh khác, tìm gặp các già làng, trưởng thôn còn nhớ và am hiểu về các hát Soọng cô để ghi chép lại và về truyền dạy lại cho các thành viên trong Câu lạc bộ do ông làm chủ nhiệm.

Cứ vào những tối 16 âm lịch hàng tháng, góc sân nhà của ông Năm lại vang lên những câu hát trữ tình đằm thắm, mượt mà, tươi sáng của làn điệu Soọng cô. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, múa giỏi. Để các thành viên trong Câu lạc bộ thành thục và am hiểu hơn về hát Soọng cô. Ông Năm thường xuyên đưa Câu lạc bộ đi giao lưu, tham gia các hội diễn, liên hoan trong và ngoài tỉnh. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, múa giỏi. Lúc mới thành lập chỉ với 35 thành viên đều là những người trung tuổi, đến nay, Câu lạc bộ hát Soọng cô khu phố Chợ do ông Năm làm chủ nhiệm đã có 65 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Với mong muốn góp phần gìn giữ bản sắc riêng của đồng bào Sán Dìu, để điệu hát Soọng cô mãi duy trì trong đời sống văn hóa cộng đồng, ông Năm đã tự học hỏi, sưu tầm, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm thơ, ca, truyện cổ, các làn điệu Soọng cô với mong muốn dành cho con cháu sau này. Hàng trăm bài dân ca do ông tự sáng tác để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con trong thôn. Các tác phẩm của ông được in sách hoặc tài liệu để phát miễn phí cho người có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Gần đây, ông xuất bản được hai tập sách: Sưu tầm biên dịch các bài hát Thềnh Sèn Cô của dân tộc Sán Dìu ra tiếng phổ thông và sáng tác hát giao duyên lời mới (2015); Sưu tầm biên dịch và sáng tác dân ca Sán Dìu (2019), do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt  Nam phát hành.

Không chỉ sáng tác, ông Lê Đại Năm còn đau đáu nỗi niềm gìn giữ, bảo tồn tiếng nói dân tộc Sán Dìu. Ông đã đứng ra tổ chức những lớp học tiếng Sán Dìu miễn phí cho thanh, thiếu niên tại địa phương. Xen kẽ những tiết học, ông tranh thủ dạy cho thanh, thiếu niên hát dân ca soọng cô. Hiện nay, lớp học của ông được duy trì thường xuyên, thu hút được nhiều bạn trẻ trên địa bàn theo học.

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Lê Đại Năm cho biết: từ nhiều năm nay, ông bắt đầu đào tạo và tìm người có thể thay mình tiếp tục bảo tồn những văn hóa của người Sán Dìu. Hiện tại, sức khỏe vẫn còn, bản thân ông sẽ tiếp tục công việc sưu tầm và truyền dạy văn hóa dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ để kế thừa, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của cha ông, tránh nguy cơ bị mai một.

Với những đóng góp, cống hiến của mình, năm 2015 ông Lê Đại Năm vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2017, ông Năm được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen tại Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất./.

PV

Xem thêm