Văn hóa

Nhận diện cơ hội và thách thức cho đô thị Huế trực thuộc Trung ương

Thừa Thiên Huế

Quá trình phát triển đô thị Huế trong tương lai cần tuân thủ những phương án quy hoạch đô thị mà tỉnh đã đề ra.

Ngày 20/12, tại thành phố Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Tọa đàm khoa học Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Hoạt động nhằm nhận diện những cơ hội phát triển đô thị Huế cùng khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng phát biểu tại toạ đàm. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 30/11 đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, đưa thành phố Huế là thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương.

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài Thừa Thiên - Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa...

Tọa đàm thu hút nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra những cơ hội trong việc quản lý đô thị di sản, tuy nhiên, việc bảo tồn các di sản phải luôn được ưu tiên quan tâm.

Nhấn mạnh vai trò con người trong việc bảo lưu những giá trị di sản Cố đô Huế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, Thừa Thiên - Huế có đủ các yếu tố di sản văn hóa và di sản thiên nhiên mà tạo hóa và lịch sử ban tặng. Con người Huế là một bộ phận cấu thành di sản Huế, là sản phẩm của nền văn hóa Kinh kỳ trải qua hàng trăm năm; nay được thể hiện qua phong cách, lối sống, ứng xử, trang phục, tiếng nói, đời sống tâm linh… mà không nơi nào ngưng đọng được những giá trị nhân văn sâu sắc như Huế. Người Huế cũng rất có ý thức về bảo tồn giá trị di sản. Đó là tiền đề để xây dựng Huế trở thành thành phố di sản đặc trưng của Việt Nam, một đô thị văn hóa, du lịch hấp dẫn của thế giới.

Chia sẻ quan điểm và kiến nghị quy hoạch cho đô thị di sản Huế, Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Thái nhận định, quá trình phát triển đô thị Huế trong tương lai cần tuân thủ những phương án quy hoạch đô thị mà tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, công tác rà soát và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch cũng rất cần thiết. Ngoài ra, yếu tố con người là quan trọng nhất đối với một đô thị. Xây dựng và phát triển đô thị cần lấy con người làm trọng tâm, cốt lõi để từ đó hình thành nên cấu trúc không gian và định hướng phát triển xoay quanh giá trị của con người, dựa vào người dân và đem lại quyền lợi cho cộng đồng, nâng cao đời sống con người./.

Mai Huyền Trang

Xem thêm