Văn hóa

Nhận diện và phát huy những giá trị đặc trưng của văn hóa Quảng Nam để phát triển bền vững

Quảng Nam

Quảng Nam là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, được hình thành với nhiều giá trị đặc trưng, độc đáo; con người Quảng Nam với ý chí khát vọng vươn lên, dấn thân, sáng tạo, anh dũng.

Quang cảnh hội thảo.
 Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Sáng 8/10, tại thành phố Tam Kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới” với sự tham dự của hơn 150 đại biểu.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Văn hóa được coi là một trong các trụ cột phát triển, nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực cho phát triển. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Quảng Nam là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, được hình thành với nhiều giá trị đặc trưng, độc đáo; con người Quảng Nam với ý chí khát vọng vươn lên, dấn thân, sáng tạo, anh dũng. Nhờ đó, trải qua bao thăng trầm, với nền tảng văn hóa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và ra sức thi đua xây dựng, phát triển quê hương.

Hiện nay, tỉnh có hệ thống di sản văn hóa vật thể tiêu biểu với hơn 458 di tích được xếp hạng. Bên cạnh đó, tỉnh sở hữu hệ thống di sản phi vật thể phong phú, đa dạng, tiêu biểu là Nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, hội thảo tập trung làm rõ căn cứ, cơ sở khoa học trong việc nhận diện, khẳng định những giá trị đặc trưng cơ bản về văn hóa, con người Quảng Nam. Đồng thời đánh giá khái quát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những thành tựu, kết quả nổi bật, hạn chế và kinh nghiệm; đề xuất, gợi mở các giải pháp tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam - nguồn lực rất to lớn, dồi dào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh theo định hướng phát triển xanh, bền vững.

PGS.TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trình bày tham luận tại hội thảo. 
Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Minh chia sẻ: Quảng Nam, với ý nghĩa là vùng đất rộng lớn về phương Nam, được biết đến là “đất khoa bảng”, “đất địa linh nhân kiệt”, "Ngũ Phụng Tề Phi", nơi sản sinh ra nhiều bậc tài danh, hào kiệt cho đất nước. Quảng Nam là vùng văn hóa có từ rất sớm, bằng chứng là một Mỹ Sơn kiệt tác kiến trúc nghệ thuật tôn giáo nằm ở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, tiếp tới là dinh trấn Thanh Chiêm của các chúa Nguyễn dẫn đến hình thành Hội An phố thương cảng sầm uất nơi cuối nguồn...

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những hạn chế về phát triển văn hóa, con người, trong đó có việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đang đứng trước thách thức lớn; nhiều di sản văn hóa chưa được bảo tồn và phát huy đúng cách, chưa đủ tiềm lực để tạo bước đột phá. Quảng Nam cần phải có những hành động cụ thể, thiết thực để khai thác các giá trị văn hóa, con người thật sự là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của tỉnh trong bối cảnh mới.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ giúp tỉnh Quảng Nam đưa ra quyết sách đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá nhằm phát huy các giá trị văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cụ thể hóa việc thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới./.

Đoàn Hữu Trung

Tin liên quan

Xem thêm