Nhập nhèm cấp "sổ hồng" ở Hoằng Hóa: Sai phạm trong xác định nguồn gốc đất, thẩm định hồ sơ
Trong quá trình xác minh nguồn gốc đất, ranh giới, thẩm định hồ sơ, cán bộ xã Hoằng Phụ và UBND huyện Hoằng Hóa đã để xảy ra sai phạm về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong quá trình xác minh nguồn gốc đất, ranh giới, thẩm định hồ sơ, cán bộ xã Hoằng Phụ và UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã để xảy ra sai phạm về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng). Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết với chủ đề: "Nhập nhèm cấp "sổ hồng" ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa)".
Bài 1: Sai phạm trong xác định nguồn gốc đất, thẩm định hồ sơ
Thời gian qua, trong hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ dân tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã để xảy ra một số vụ việc vi phạm Luật Đất đai. Thực tế này đã được chính quyền và cán bộ xã Hoằng Phụ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa thừa nhận có sai sót trong xác định nguồn gốc đất, đo đạc tọa độ ranh giới, thẩm định hồ sơ, dẫn tới UBND huyện Hoằng Hóa cấp "sổ hồng" sai quy định.
* Thẩm định sai, đất rừng thành đất thổ cư
Ngày 4/3/2022, UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DD 898205 cho ông Nguyễn Đăng Thành với tổng diện tích hơn 1.710 m2, trong đó 410 m2 đất ở nông thôn, hơn 1.300 m2 đất trồng cây lâu năm. Từ mảnh đất này, chỉ 3 ngày sau, ông Thành đã làm thủ tục tách ra 7 "sổ hồng" để chuyển nhượng, tặng cho người khác, được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 7/3/2022.
Nghịch lý ở chỗ, sau khi cấp sổ, UBND xã Hoằng Phụ mới phát hiện ra xác định sai số thửa lập hồ sơ đề nghị cấp các "sổ hồng" cho ông Thành. Số diện tích đất này được xác định là đất trồng rừng mà UBND xã Hoằng Phụ cho ông Lê Văn Lực thầu khoán từ năm 2011 với diện tích 2.000 m2 để trồng cây lâm nghiệp. Năm 2000, ông Lực đã bán cho ông Thành số diện tích đất này… Vì vậy, một trong 7 hộ nhận chuyển nhượng đất từ ông Thành bán cho người khác thì không làm được thủ tục. Ngày 9/1/2024, các hộ nhận chuyển nhượng đất của ông Thành đồng loạt khởi kiện UBND huyện Hoằng Hóa lên Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Bản án số 100/2024/HC-ST ngày 3/6/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác định: Diện tích đất ở nông thôn 590 m2 đã cấp toàn bộ cho ông Lê Văn Lực. Phần đất còn lại của thửa số 19, tờ bản đồ số 16 là đất rừng do ông Lực thầu, nhưng ngày 2/10/2000, ông Lực đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đăng Thành… UBND xã Hoằng Phụ xác định sai nguồn gốc thửa đất theo hồ sơ 299/TTg, bị nhầm từ thửa 205 tờ bản đồ số 4 thành thửa 42 tờ bản đồ số 5 (đã được UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trương Thị Lơ năm 2003), nên dẫn đến việc xác định sai về hạn mức đất ở được công nhận, vi phạm quy định pháp luật đất đai.
Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ rõ, UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đăng Thành và bà Nguyễn Thị Yến đối với thửa đất 439 tờ bản đồ số 50 bản đồ địa chính xã Hoằng Phụ đo đạc năm 2014, diện tích 1.718,7 m2, trong đó có 410 m2 đất ở và 1.308,7 m2 đất trồng cây lâu năm là vi phạm quy định của pháp luật đất đai.
Ông Thành căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp không đúng quy định pháp luật, chưa đủ điều kiện để lập hợp đồng tặng cho và chuyển nhượng. Vì vậy, những hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến thửa đất số 439 tờ bản đồ số 50 bản đồ địa chính xã Hoằng Phụ đo đạc năm 2014 là không có giá trị pháp lý. Tòa đã tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Hoằng Hóa đã cấp cho ông Thành ngày 4/3/2022 và 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Thành tách ra để tặng cho, chuyển nhượng.
Bà Lê Thị Hiền, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa là người thẩm định và ký tờ trình đề nghị UBND huyện ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định cho ông Thành. Nói về trách nhiệm của cá nhân, bà Hiền cho biết: "Tôi khẳng định việc cấp giấy là có sai sót và cái sai này là từ xã lên, từ người xác định ban đầu đến cơ quan kiểm tra là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và cơ quan thẩm định là Phòng Tài nguyên và Môi trường. Sai sót này không thể chối bỏ trách nhiệm".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Hoàng Ngọc Dự, việc xác định nguồn gốc, vị trí, đối tượng sử dụng đất đều do xã đưa lên, Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định thì phải thẩm định và đánh giá kỹ, nhưng trong quá trình thẩm định đã xảy ra sai sót. Thực hiện bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa đã có quyết định hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Thành, trả lại nguyên trạng nguồn gốc đất và giao cho UBND xã Hoằng Phụ quản lý.
* Doanh nghiệp "bỗng dưng" mất đất
Một trường hợp khác cũng tại xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), do sự tắc trách, buông lỏng quản lý của UBND xã Hoằng Phụ và UBND huyện Hoằng Hóa trong xác minh, đo đạc, thẩm định hồ sơ, dẫn tới cấp "sổ hồng" cho hộ dân chồng lấn hơn 700 m2 đất của doanh nghiệp tư nhân Gió Biển (có địa chỉ tại xã này). Thực tế này đã được Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ Nguyễn Thanh Bình xác nhận với phóng viên TTXVN.
Cụ thể, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Hoằng Hóa Lê Thị Hiền thẩm định hồ sơ và làm tờ trình đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Nam. Theo đó, ngày 1/11/2021, UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DD 757257 cho bà Nguyễn Thị Nam với tổng diện tích hơn 966 m2, trong đó 250 m2 đất ở nông thôn, hơn 716 m2 đất trồng cây lâu năm.
Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ doanh nghiệp Gió Biển cho biết: "Năm 2005, khu đất của doanh nghiệp Gió Biển được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê 30 năm với diện tích 4.690 m2 để chế biến, kinh doanh hải sản. Năm 2022, tôi thuê thiết kế về làm cho đúng quy chuẩn cơ sở hạ tầng, khi đo đạc thì phát hiện ra diện tích đất không đủ như được giao. Chúng tôi tìm hiểu mới biết, UBND huyện Hoằng Hóa đã cấp sổ cho hộ bà Nam chồng lấn 700 m2 của doanh nghiệp. Lúc đó, tôi mới biết doanh nghiệp bị mất đất. Khi cán bộ đi đo đạc, trích lục và lấy xác nhận chủ đất liền kề, bản thân tôi là chủ doanh nghiệp không biết gì cả".
Ông Nguyễn Văn Lân chia sẻ: "Đất của doanh nghiệp là đất thuê, tôi phải bảo vệ tài sản của Nhà nước, chứ không phải của cá nhân tôi. Diện tích thiếu so với trích lục, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu giao lại cho đủ đất do tỉnh giao. Chính quyền xã và huyện bảo tôi làm đơn kiện lên tòa tỉnh, sẽ căn cứ trích lục trả đất cho doanh nghiệp nhưng tôi không đồng ý. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả đất cho doanh nghiệp theo luật”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bá Bảy là cán bộ địa chính xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) từ năm 2013 đến hết năm 2022 (hiện là cán bộ địa chính xã Hoằng Thanh) cho hay: Thời điểm làm hồ sơ cấp "sổ hồng" cho bà Nam, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai xuống đo đạc không mời cán bộ địa chính xã cùng thực hiện nên mới xảy ra việc cấp chồng lấn hơn 700 m2 đất của doanh nghiệp Gió Biển.
Liên quan đến đơn khiếu nại của doanh nghiệp tư nhân Gió Biển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản ngày 13/9/2024, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa và các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, xử lý dứt điểm nội dung đề nghị của doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền, quy định pháp luật./.
(Bài cuối: Chấn chỉnh, xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm)