Pháp luật

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Chủ đề của Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 là: "Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp".

Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý phát biểu. 
Ảnh: Anh Thư

Sáng 7/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2024.

*Nhiều kết quả trên các lĩnh vực

Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, trong quý III, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đảm bảo đúng tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: xây dựng, rà soát xử lý văn bản quy phạm pháp luật, công tác theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến pháp luật, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp…

Về hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 tới ngày 30/6/2025. Trong đó rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp (từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh); phối hợp hướng dẫn địa phương để kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố với ứng dụng VNeID và Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó có 5 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID...

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc phát biểu. 
Ảnh: Anh Thư

*Lắng nghe ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp

Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cho biết, nhằm đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện, từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương sẽ tổ chức Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 vào ngày 9/10/2024.

Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027". Đồng thời, chủ đề, nội dung của Diễn đàn đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII: "Thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm".

Theo đó, chủ đề của Diễn đàn năm nay là: "Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp".

Nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận 2 vấn đề lớn: Các vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; các vướng mắc pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Đây cũng là sự kiện thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2024).

Quang cảnh buổi họp báo. 
Ảnh: Anh Thư

*Thu hồi hơn 22 nghìn tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, các cơ quan đã thi hành xong gần 622 nghìn việc, tăng gần 46 nghìn việc so với cùng kỳ 2023. Về tiền, thi hành xong hơn 117 nghìn tỷ đồng, tăng gần 28 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thất thoát trong các vụ án về hình sự, tham nhũng, kinh tế là hơn 9.200 việc với trên 22 nghìn tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến công tác thi hành án dân sự. Năm nay, kết quả đạt cao nhất từ trước đến nay và đồng đều trên tất cả các mặt: án tham nhũng kinh tế, án hành chính, tín dụng ngân hàng… Ngành Thi hành án dân sự đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện thể chế; quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra giám sát; chú trọng tăng cường nguồn lực về con người, cơ sở vật chất...

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Ngọc Hà cho biết, sẽ tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11). Giải báo chí nhằm khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Bộ, ngành Tư pháp trong 80 năm xây dựng và trưởng thành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là dấu ấn của Bộ, ngành trong công tác hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.../.

Phan Phương

Xem thêm