Môi trường

Nhiều bất cập trong phát triển cây xanh đô thị ở Ninh Bình

Ninh Bình

Hệ thống cây xanh ở thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đang bị xâm hại, chưa bảo đảm về mật độ, chất lượng.

Nhiều cây xanh tại tuyến đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình bị đóng đinh thằng vào thân cây để cố định các thanh chống. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN).

TTXVN - Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, không chỉ giúp cải thiện, làm đẹp môi trường mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đang bị xâm hại và chưa thực sự bảo đảm về số lượng, cũng như chất lượng.

* Cây xanh bị xâm hại

Tại điều 7, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý cây xanh đô thị đã nêu rõ: Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép... là các hành vi bị cấm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến đường ngay giữa trung tâm thành phố Ninh Bình như Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng..., rất nhiều thân cây xanh bị đóng đinh, cột thắt bằng dây điện trang trí, chằng chống bằng các trụ sắt, siết chặt vào thân cây.

Được biết, hệ thống cây xanh này đã được đầu tư cải tạo, trồng mới từ nhiều năm trước. Có lẽ do kích cỡ lớn, lúc mới trồng, chúng đều được chống đỡ bằng các cây thép ống. Đây là cách làm thông thường để giúp cây không bị nghiêng vẹo. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ, để cố định các thanh chống này người ta đã “không thương tiếc” đóng đinh thẳng vào thân cây. Mặt khác, sau một thời gian dài, hầu hết các cây đều đã to lớn hơn trước rất nhiều nhưng những giá đỡ này vẫn chưa được tháo ra, cắm sâu vào thân, gây biến dạng và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của chúng. Ngoài ra, một số cây bị người dân “trưng dụng” để trang trí bằng việc quấn chằng chịt đèn led, các loại dây điện quanh thân hoặc treo biển quảng cáo.

Ông Đặng Văn Sáu, ở thành phố Ninh Bình cho rằng, cây xanh đô thị bị xâm hại xuất phát từ sự vô ý thức của số đông người dân và sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan. Việc cây xanh bị xâm hại không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, gây lãng phí ngân sách. Do đó, các hành vi vi phạm, xâm hại cây xanh cần phải xử lý nghiêm để bảo đảm an toàn cây xanh trên đường phố.

Nhiều cây xanh tại tuyến đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình bị đóng đinh thằng vào thân cây để cố định các thanh chống. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN).

Ở góc độ chuyên môn, sau khi xem những hình ảnh phóng viên cung cấp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Phòng Khoa học và hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Cúc Phương cho rằng, khi trồng cây xanh cỡ lớn phải làm hệ thống giá đỡ là đúng. Tuy nhiên, không thể nào cắm thẳng các ống thép vào thân cây được mà thường gá vào các đai tròn để có thể nới rộng theo quá trình phát triển của cây. Đơn vị có chức năng phải thường xuyên giám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây xanh để có biện pháp nới rộng đai chống hoặc tháo các giá đỡ này, khi bộ rễ của cây đã phát triển đầy đủ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ lo lắng, nếu không được các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương có biện pháp xử lý kịp thời, cây bị thắt nghẹt và rất dễ phát triển ổ bệnh hại, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây, gây mất mỹ quan đô thị.

* Chưa bảo đảm về mật độ, chất lượng

Trên đường Lương Văn Thăng, mặt đường trải nhựa rộng rãi, vỉa hè được lát đá rất chỉn chu, sạch đẹp nhưng lại rất thưa thớt cây xanh. Theo ghi nhận của phóng viên, có những đoạn đường dài 30-40 m, qua hàng chục nhà dân, cửa hàng, cửa hiệu mới xuất hiện một cây. Phần lớn các cây này đều rất nhỏ. Sự thưa thớt cây, thiếu bóng râm ở đoạn đường này tỷ lệ nghịch với dòng xe máy, ô tô đông đúc di chuyển.

Tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, khoảng 6 - 7 năm trước, toàn bộ hệ thống cây xanh cũ đã được chặt bỏ, di chuyển để trồng thay thế đồng loạt bằng cây bàng Đài Loan với kỳ vọng tạo sự đồng nhất, làm điểm nhấn cho thành phố. Tuy nhiên, qua quan sát, có thể thấy, một số đoạn, mật độ cây còn thưa, kích thước không đồng đều. Một số cây bị còi cọc, lệch tán do xung đột với các biển quảng cáo và mạng lưới dây điện, dây viễn thông nhưng chưa được đơn vị quản lý quan tâm chăm sóc hoặc đã được hộ dân trồng cây khác chủng loại.

Đó là những tuyến phố chính. Tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố, phần lớn cây xanh do người dân, doanh nghiệp tự trồng nên không thống nhất về chủng loại, chiều cao, tuổi cây, dẫn đến chưa đảm bảo về mỹ quan đô thị.

Theo nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị, quy định tại điều 3, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh. Cây xanh được trồng phải đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đã được phê duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Nhiều cây xanh tại tuyến đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình bị đóng đinh thằng vào thân cây để cố định các thanh chống. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN).

Khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Thực tế tại một số khu đô thị mới của thành phố Ninh Bình như: Phong Sơn (phường Nam Bình), Bình Hòa (phường Ninh Khánh), Ninh Khánh (phường Ninh Khánh)... cho thấy, các quy định này chưa được thực hiện một cách đầy đủ và phù hợp.

Hiện nay, địa bàn thành phố Ninh Bình có khoảng 95 tuyến đường trục chính có tên và trên 1.000 tuyến ngõ ngách. Khoảng 70 loại cây bóng mát trồng ở các đường phố, công viên, vườn hoa, trong đó có nhiều loại cây do nhân dân tự trồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, có việc cây xanh đô thị bị đóng đinh, treo biển quảng cáo, quấn dây điện trang trí, chằng chống bằng các trụ sắt chưa đảm bảo mỹ quan, kỹ thuật... ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Thời gian tới, thành phố sẽ yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời những hành vi xâm hại, hủy hoại cây xanh theo đúng quy định pháp luật; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về quản lý cây xanh đô thị, đồng thời bố trí kinh phí, huy động nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng trong việc trồng mới, duy trì, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị. Đặc biệt, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hệ thống cây xanh phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị thành phố Ninh Bình.

Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, đang hướng tới xây dựng theo tiêu chí của đô thị loại I và trở thành thành phố du lịch. Vì vậy, các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý đô thị và người dân thành phố nói riêng cần nhìn nhận, chú trọng hơn nữa đến công quy hoạch, phát triển cây xanh, sớm khắc phục những bất cập nêu trên, góp phần tạo nên bản sắc, cảnh quan đô thị./.

Thùy Dung

Xem thêm