Môi trường

Thúc đẩy phát triển bền vững ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam

Phát triển điện gió ngoài khơi đã được Việt Nam xác định là giải pháp có tính đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, song đây vẫn là lĩnh vực mới ở Việt Nam.

Tuabin điện gió của Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu. (Nguồn: TTXVN)

TTXVN - Ngày 16/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” với sự phối hợp của Tập đoàn CIP - tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới của Đan Mạch.

Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Hiển cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới với quan điểm “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia”.

Nghị quyết đề ra nhiệm vụ “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.

Gần đây nhất, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định cần có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước trên cơ sở đánh giá tổng thể về lợi ích và chi phí của nền kinh tế; đồng thời xác định ngành công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên chú trọng phát triển, nhất là ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Như vậy, phát triển điện gió ngoài khơi đã được Việt Nam xác định là giải pháp có tính đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, do phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới ở Việt Nam, vì vậy việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia đã có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi như Đan Mạch rất có giá trị đối với Việt Nam.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những cơ hội lớn, nhưng đã và đang đối diện những bài toán lớn như tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn…

Ông Nguyễn Văn Hiển tin tưởng Hội thảo sẽ cung cấp các luận cứ khoa học - thực tiễn vững chắc, toàn diện để Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để Việt Nam có thể phát triển tốt ngành điện gió ngoài khơi gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển trong dài hạn và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho biết, điện gió ngoài khơi là “cơ hội kép” cho Việt Nam. Theo đó, cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại sứ Đan Mạch khẳng định nước này ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững. Đại sứ mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán về phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 báo cáo chính từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm. Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ một số nội dung như vai trò, ý nghĩa của điện gió ngoài khơi trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; xu thế phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, nhận diện các cơ hội và thách thức của Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi..../.

V.Đ

Tin liên quan

Xem thêm