Môi trường

Phát triển năng lượng sạch cho nền kinh tế carbon thấp

Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng gió, năng lượng sinh khối…

TTXVN - Việc hướng đến chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của thế giới, nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đồng thời đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng gió, năng lượng sinh khối… được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực. 

* Triển vọng hydrogen xanh 

Hydrogen xanh - một nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo - sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế. Hydrogen xanh dự kiến sẽ sử dụng trong các ngành công nghiệp như: dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là giao thông vận tải. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã công bố chiến lược phát triển hydrogen xanh với mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn như một giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát thải, hạn chế tác động tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tại châu Âu, thị trường hydrogen đang hình thành và được coi là nguồn nhiên liệu ưu tiên phát triển hàng đầu. Hydrogen được nghiên cứu ứng dụng để hình thành kho dự trữ năng lượng tái tạo theo mùa, tăng cường ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, vận tải và cơ sở hạ tầng khí tự nhiên.

Ở Việt Nam, hydrogen hiện được sử dụng trong vai trò nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. Năm 2020, theo đánh giá của Viện Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm. Việt Nam có nguồn hydrogen được sản xuất ngay tại các nhà máy bằng công nghệ nhiệt hóa nguồn khí tự nhiên từ các mỏ PM3-CAA, bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn, mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông, Đàn Đáy, Báo Vàng... Trong ngắn hạn và trung hạn, nước ta vẫn có đủ nguồn khí tự nhiên để sản xuất hydrogen nhưng trong dài hạn sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn cung. Theo tiến trình khai thác, sản lượng khí từ các mỏ trên giảm dần và dự kiến sẽ suy kiệt sau năm 2035. 

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Hydrogen xanh sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giúp gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời có triển vọng cung cấp nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và vận tải. 

Việc phát triển hydrogen đã được đề cập đến trong một vài chính sách như Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Các chính sách được hình thành theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã xây dựng 3 kịch bản phát triển hydrogen. Theo đó, Kịch bản 1 (kịch bản chính sách hiện hành) được tính toán dựa trên các chính sách của chính phủ về lộ trình giảm phát thải ở từng ngành công nghiệp, vận tải, năng lượng; Kịch bản 2 (kịch bản độ trễ công nghệ) được tính toán dựa trên xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, khả năng của Việt Nam và nhu cầu thị trường nội địa; Kịch bản 3 (kịch bản tăng tốc) đặt ra tham vọng Việt Nam sẽ song hành với sự phát triển công nghệ và đủ nội lực để sản xuất hydrogen đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Theo đó vào năm 2050, mỗi năm Việt Nam sẽ có nhu cầu tương ứng 58,3 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản chính sách hiện hành); 4,4 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản độ trễ công nghệ) và 9,17 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản tăng tốc).

Để thúc đẩy phát triển hydrogen xanh đến năm 2030, Việt Nam cần xây dựng các chính sách, quy định, hướng dẫn cho phát triển hydrogen xanh; thực hiện các dự án thí điểm; xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng hydrogen xanh; phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn trong sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydrogen. 

Tiến sỹ Phạm Duy Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thuộc VIETSE cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen xanh từ nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Hydrogen xanh là năng lượng sạch, có thể thay thế nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch đang được sử dụng trong một số ngành sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Phát triển công nghiệp hydrogen xanh trong tương lai không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mà còn giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế carbon thấp.

Hệ thống điện gió ngoài khơi. (Ảnh minh hoạ: TTXVN phát)

* Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Theo nghiên cứu của Viện Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), với đặc trưng khí hậu của khu vực nhiệt đới gió mùa và đường bờ biển trải dài hơn 3.200 km, mùa Hè xuất hiện các đợt gió mùa Tây Nam với tốc độ gió trung bình khá mạnh, tiềm năng về phát triển năng lượng gió tại Việt Nam đang rất triển vọng. 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió mạnh hơn 6m/s tại độ cao 65 m, tương ứng với 513 GW. Hơn nữa, hơn 8% lãnh thổ được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt.

Về phát triển năng lượng mặt trời, Việt Nam cũng là một trong các nước được đánh giá cao về tiềm năng phát triển trong khu vực châu Á. Đặc biệt hai khu vực miền Trung và miền Nam có tổng số giờ nắng mỗi năm dao động từ 1.400-3.000 giờ cùng bức xạ mặt trời dao động khoảng 4-5 kWh/m2 hằng ngày. Việt Nam tồn tại năng lượng mặt trời quanh năm tại khắp các vùng miền trên cả nước và duy trì khá ổn định. Trong đó, miền Trung và miền Nam có trung bình số ngày nắng vào khoảng 300 ngày/năm.

Đối với năng lượng sinh khối, là một nước có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành nông nghiệp, tiềm năng về nguồn năng lượng này tại Việt Nam là rất lớn. Các nhiên liệu sinh khối chính là năng lượng gỗ, phụ phẩm và phế thải từ cây trồng, rác thải ở đô thị, chất thải chăn nuôi và những chất thải hữu cơ khác. Nguồn năng lượng sinh khối có thể được đưa vào sử dụng sau khi đốt, hoặc qua quá trình biến đổi thành nhiên liệu sinh khối. Các nhiên liệu sinh khối đến từ phế thải nông nghiệp, rác thải hữu cơ, chất thải chăn nuôi có tiềm năng rất lớn với công suất tổng khoảng 400 MW.

Nguồn nhiên liệu sinh khối phục vụ cho quá trình sản xuất năng lượng ở Việt Nam lên đến 150 triệu tấn/năm. Một số nhiên liệu sinh khối có thể sử dụng trực tiếp về mặt kỹ thuật trong quy trình sản xuất điện, hoặc công nghệ đồng phát năng lượng được áp dụng như rác thải sinh hoạt tại các khu vực đông dân cư, bã mía thừa tại các nhà máy sản xuất đường, chất thải chăn nuôi thừa từ trang trại gia súc, hộ gia đình, trấu và chất thải hữu cơ khác đến từ các nhà máy chế biến nông-lâm-hải sản.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, phân bổ trên nhiều vùng lãnh thổ của đất nước nên tiềm năng phát triển năng lượng thủy điện còn rất lớn. Trong đó, triển vọng về năng lượng thủy điện có quy mô nhỏ tập trung nhiều ở các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại Việt Nam, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo có công suất lớn nhất. Việt Nam có hơn 2.200 con sông, suối với chiều dài lên đến 10km với 90% là các sông, suối nhỏ. Do vậy, việc phát triển năng lượng thủy điện nhỏ tại Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Chỉ trong năm 2018, trên 3.300MW thủy điện nhỏ tiến vào hoạt động.

Chuyên gia về năng lượng tái tạo Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, trong sự hội nhập toàn cầu, các nhà đầu tư cần đề cao công tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp tiếp cận, đề ra định hướng phát triển năng lượng tái tạo phù hợp; áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong vận hành, sản xuất và sửa chữa nhằm gia tăng hiệu quả năng lượng tái tạo. Đặc biệt, công nghệ cần phù hợp với sự phát triển của năng lượng tái tạo để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai xây dựng các mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hình thành và phát triển quỹ năng lượng tái tạo, thúc đẩy hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh theo định hướng cơ chế giá thị trường như các lĩnh vực khác. Ngoài ra, Nhà nước đề ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư áp dụng khoa học, công nghệ kĩ thuật tiên tiến hiện đại trong nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo; nâng cao vai trò của truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về phát triển năng lượng tái tạo./.


Hoàng Nam

Tin liên quan

Xem thêm