Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone theo Nghị định thư Montreal.
TTXVN - Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng gia tăng sử dụng các chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất Hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế các chất HCFC - chất làm suy giảm tầng ozone trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, thiết bị dập cháy...
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình loại trừ dần các chất HFC từ năm 2024, với mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024 - 2028 ở mức tiêu thụ cơ sở. Lượng tiêu thụ giảm dần ở mức 10% trong giai đoạn 2029-2034, giảm 30% trong giai đoạn 2035-2039, giảm 50% trong giai đoạn 2040-2044 và giảm 80% mức tiêu thụ cơ sở từ năm 2045. Những vấn đề này đã được đưa vào quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện lộ trình trên, thời gian vừa qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I (gọi tắt là KIP I). Theo đó, thông qua quá trình khảo sát, thu thập và phân tích số liệu, cơ quan đầu mối quốc gia, các cơ quan quản lý chuyên ngành nắm bắt được tình hình tiêu thụ HFC tại Việt Nam đến nay, dự báo xu hướng tăng trưởng về nhu cầu sử dụng. Từ đó xác định các biện pháp can thiệp về cơ chế, chính sách, đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để đạt được mức giảm tiêu thụ HFC theo cam kết quốc tế; đồng thời đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, các ngành công nghiệp, phát triển lực lượng lao động và tăng cường các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Bà Angela Armstrong, Quản lý chương trình thực hiện Nghị định thư Montreal, Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone theo Nghị định thư Montreal. Thời gian tới, để loại trừ dần HFC, các cơ quan sẽ cần kết hợp nhiều giải pháp quản lý trong sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng các thiết bị lạnh có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính thấp, đưa ra định mức sử dụng HFC cụ thể cho các ngành và giảm dần theo từng năm. Kèm theo đó là các công nghệ tiên tiến cần thiết, những can thiệp chính sách để Việt Nam có thể tuân thủ lộ trình.
Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ tầng ozone. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời trong khuôn khổ Công ước Viên. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn tham gia Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal từ năm 1994.
Được đánh giá là một trong những điều ước quốc tế thành công nhất trong lịch sử từ trước đến nay, Nghị định thư Montreal thực sự đã mang lại những ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của chúng ta khi lỗ thủng tầng ozone ngày một thu hẹp lại, cuộc sống của nhân loại bớt đi những ảnh hưởng có hại từ tia cực tím. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, chủ động tham gia và không ngừng gia tăng sự đóng góp của mình trong việc bảo vệ tầng ozone của nhân loại.
Đến nay, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone như CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng chính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
Cụ thể, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 01/01/2010; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng). Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn HCFC-141b nguyên chất, đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC của Việt Nam; đang thực hiện kế hoạch loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020-2025; tiến tới sẽ chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.
Nhờ sự chung tay của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của Ban Thư ký ozone, Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Chương trình môi trường Liên hợp quốc mà tầng ozone đang dần được phục hồi. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ozone là 1 - 3%. Nghị định thư Montreal đã giúp hạn chế đáng kể tác động của các chất làm suy giảm tầng ozone và chất gây hiệu ứng nhà kính, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay./.
- Từ khóa:
- tầng ozone
- Nghị định thư Montreal