UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm về đê điều, phòng, chống thiên tai trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ trên địa bàn.
TTXVN - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, năm 2023, tỉnh tập trung xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm về đê điều, phòng, chống thiên tai trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ trên địa bàn. Đối với các trường hợp phát sinh sau kế hoạch được ban hành, UBND các huyện, thành phố bổ sung vào kế hoạch, tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn tại và phát sinh vi phạm mới.
Trước ngày 5/4/2023, UBND các huyện, thành phố hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai do Chủ tịch UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với Chi cục Thủy lợi, các Hạt Quản lý đê rà soát, lên danh sách các hộ vi phạm, phân loại các trường hợp vi phạm, hoàn thiện hồ sơ về vi phạm; đồng thời, lập kế hoạch xử lý, giải tỏa cụ thể, chi tiết; trực tiếp chỉ đạo thực hiện xử lý giải tỏa vi phạm công trình đê điều, phòng, chống thiên tai trên địa bàn đảm bảo theo đúng trình tự pháp luật.
Từ ngày 15/4 đến ngày 30/4/2023, các địa phương thông báo kế hoạch giải tỏa tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các hộ có hành vi vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm. Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện có liên quan.
Từ ngày 5/5 đến ngày 30/5/2023, các địa phương tổ chức kiểm tra công tác tự tháo dỡ, tự giác chấp hành pháp luật của các hộ dân và tiếp tục vận động các hộ chấp hành quy định của pháp luật. Sau ngày 30/5/2023, các địa phương ra quân cưỡng chế, xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện, xong trước ngày 20/6/2023…
Trong năm 2022, các ngành, địa phương ở tỉnh Bắc Giang đã tập trung giải quyết các vi phạm về đê điều và phòng, chống thiên tai; đã xử lý 90 trường hợp vi phạm. Đến nay, địa bàn tỉnh đã cứng hóa được gần 120 km mặt đê, xây dựng gần 26 km đường gom chân đê để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và việc giao thông đi lại của nhân dân ven đê.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn ra rất phức tạp. Vi phạm mới vẫn thường xuyên phát sinh, trong khi đó số vụ vi phạm cũ còn tồn tại gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Tình trạng xe quá tải trọng hoạt động trên đê còn diễn ra dù đã có biển báo hạn chế tải trọng gây hư hỏng mặt đê…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, tổng số trường hợp vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh cần xử lý trong năm 2023 là 125 trường hợp; trong đó vi phạm về đê điều 94 trường hợp, vi phạm về bến bãi chất tải và kinh doanh vật liệu 31 trường hợp./.
- Từ khóa:
- Bắc Giang
- xử lý vi phạm
- đê điều
- phòng
- chống thiên tai