Thời sự

Nhìn lại năm 2024: Ninh Bình chủ động trong mọi tình huống, kịp thời thích ứng

Ninh Bình

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm 2024, Ninh Bình đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra...

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các loại hình kinh tế và của nhân dân, năm 2024 tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, trong đó có 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Với tinh thần mới, khí thế mới, tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo. Tỉnh luôn nắm chắc tình hình và chủ động trong mọi tình huống, kịp thời thích ứng với tình hình, xu thế mới.

* Điểm nhấn thu ngân sách

Ngay từ đầu năm 2024, Ninh Bình đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra. Trong đó, UBND tỉnh bám sát và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy. Đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường nghiên cứu, dự báo, nhận diện khó khăn, thách thức, xác định động lực tăng trưởng mới làm cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh luôn nắm chắc tình hình và chủ động trong mọi tình huống, kịp thời thích ứng với tình hình, xu thế mới.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ninh Bình đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục có bước phát triển vững chắc, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu và nhóm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,56%; thu ngân sách vượt dự toán, với tổng số thu ước đạt 20.150 tỷ đồng, vượt 8,3% dự toán, tăng 24,8% so với năm 2023. Điểm nhấn trong thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình trong năm 2024 thể hiện ở các con số đều tăng tại tất cả các lĩnh vực thu. Trong đó thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) đạt trên 12.541 tỷ đồng, tăng 11,4% dự toán và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023; thu tiền sử dụng đất 3.850 tỷ đồng, tăng 4% dự toán, tăng gấp 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 58,2 tỷ đồng, tăng 5,8% so với dự toán và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ huy động đóng góp và viện trợ là 40 tỷ đồng.

Năm 2024, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, đạt mức tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả nổi bật; thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Quy mô kinh tế ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 96 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, đến hết năm 2024, tỷ trọng ngành dịch vụ là 48,6%; công nghiệp - xây dựng là 41,3%; nông, lâm, thủy sản là 10,1%.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 ngày 10/12/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, mở ra giai đoạn phát triển mới, tạo cơ hội để tỉnh sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cơ cấu lại đô thị, mở rộng không gian phát triển. Việc thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với tính chất là đô thị di sản xứng tầm là trung tâm đô thị hạt nhân, hướng tới đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng của Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

* Tạo bứt phá

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2025, tỉnh xác định sẽ tập trung cao để đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; tiếp tục thúc đẩy, phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, hài hòa. Tỉnh kịp thời tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phát triển sản xuất - kinh doanh; tập trung thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp đồng bộ, gắn với đô thị và dịch vụ. Năm 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,0%; thu ngân sách đạt trên 20.400; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng; đón được 9,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... cùng các chỉ tiêu quan trọng khác.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trên, Ninh Bình tập trung các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, tỉnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng; thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển ngành, lĩnh vực; khơi thông và phát huy hiệu quả nguồn lực, tạo không gian tăng trưởng mới để thu hút đầu tư; phát triển dịch vụ du lịch và công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh phát triển đô thị, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2025 đạt 45,1%. Đồng thời hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí hạ tầng đô thị loại I đối với thành phố Hoa Lư, tiến tới xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển toàn diện văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt công tác dân tộc và tôn giáo; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Ninh Bình cũng tiếp tục lấy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc riêng có, cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng cho sự phát triển. Tỉnh tập trung xây dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc; phát triển sâu rộng thể dục, thể thao quần chúng; củng cố, phát triển thể thao thành tích cao, khẳng định vị thế thể thao Ninh Bình trên toàn quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng cho biết, năm 2025, Ninh Bình tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thúc đẩy ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng chính quyền, cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tận dụng các yếu tố quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh.../.

Ninh Đức Phương

Tin liên quan

Xem thêm