Các đơn vị cần chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đồng thời thường xuyên quản lý, kiểm tra, giám sát và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chất lượng thực thi công vụ.
Chiều 17/12, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm từ khi Luật Tiếp công dân năm 2013 chính thức có hiệu lực thi hành; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho công tác tiếp công dân trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tiếp công dân trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ông Dương Tấn Hiển đề nghị các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các đơn vị cần chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đồng thời thường xuyên quản lý, kiểm tra, giám sát và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chất lượng thực thi công vụ.
Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị toàn thành phố đã tiếp được 39.523 lượt công dân với 36.279 người trong 35.182 vụ việc. Trong đó, tình hình nhiều người khiếu nại cùng một nội dung có chiều hướng tăng nhưng tính chất, mức độ không gay gắt, phức tạp. Nội dung khiếu nại chủ yếu về các chính sách giải tỏa, bồi thường và bố trí tái định cư khi thu hồi đất ở các dự án.
Thành phố đã thực hiện 196 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về công tác tiếp dân với 572 đối tượng thanh tra, kiểm tra. Kết quả cho thấy các đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân; không có tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp.
Thông qua hoạt động thanh - kiểm tra, cơ quan thanh tra cũng phát hiện một số hạn chế và tiêu cực, từ đó, kiến nghị xử lý hành chính với 16 tập thể, 27 cá nhân, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân của thành phố.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thành phố Cần Thơ kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm tổng kết thí điểm, hoàn thiện mô hình hướng dẫn địa phương và xây dựng hành lang pháp lý để mô hình tiếp công dân trực tuyến đi vào hoạt động chính thức, góp phần tiết kiệm tài nguyên, nhân lực của các cơ quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Thành phố cũng đề xuất việc hoàn thiện quy định pháp luật về tiếp công dân đồng bộ với Luật Thanh tra 2022 thông qua việc chuyển chức năng và biên chế của Ban Tiếp công dân (từ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như hiện nay) về thuộc Thanh tra cấp huyện; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan Thanh tra huyện trong việc nhận đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân hoặc đơn chưa rõ thẩm quyền. Thanh tra huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về tiếp công dân và trực tiếp thực hiện tiếp công dân đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền tiếp của phòng, ban chuyên môn.
Ngoài ra, các phòng, ban chuyên môn cấp huyện cần có quy định cụ thể về trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Nếu đơn thư không thuộc thẩm quyền, phòng, ban chuyên môn phải giải thích và hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền.
Dịp này, Ban tổ chức trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho 17 tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân./.