Chính phủ hành động

Năm bài học trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở Lâm Đồng

Lâm Đồng

Người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức sâu sắc, hành động quyết liệt; Quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo cần nắm chắc tình hình, tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ở Lâm Đồng. 
Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Ngày 22/8, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong 10 năm qua, với trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tiếp 60 cuộc với 781 công dân, chỉ đạo giải quyết 661 vụ việc. Bí thư các huyện, thành ủy đã tiếp 1.739 cuộc với 2.527 công dân, chỉ đạo giải quyết 1.204 vụ việc. Bí thư các xã, phường, thị trấn tiếp 13.616 cuộc với 2.427 công dân, chỉ đạo giải quyết 1.594 vụ việc. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp tiếp 36.182 cuộc/11.862 lượt người… Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 61.844 đơn khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 70,8% số đơn đủ điều kiện xử lý.

Từ thực tiễn thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW  ở tỉnh, Lâm Đồng rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, mỗi cấp ủy, người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc, hành động quyết liệt; quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo cần nắm chắc tình hình vụ việc, tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở. Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trong giải quyết khiếu nại tố cáo nhất là vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài rất quan trọng; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đảm đương nhiệm vụ. Đồng thời phải thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm...

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề ra nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35- CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước, của tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc tiếp công dân, lắng nghe, tiếp nhận và xử lý đơn, tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo. Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục ý thức trách nhiệm đồng thời quan tâm chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo...

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đánh giá, những năm qua, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương vẫn còn 1 số hạn chế vướng mắc. Điển hình là tình trạng cử người không đủ thẩm quyền giải quyết ra tiếp dân; tiếp "qua loa đại khái", "tiếp cho có"; "hứa cho xong chuyện", giải quyết lòng vòng, không giải quyết dứt điểm…, thậm chí nhiều cơ quan chỉ làm nhiệm vụ chuyển đơn chứ không thụ lý giải quyết.

Ông Nguyễn Thái Học chỉ đạo, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan đơn vị cần nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đây là kênh thông tin quan trọng để nắm bắt tình hình, là nghĩa vụ của của tổ chức Đảng và của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cần làm đúng trình tự thủ tục, phân định rõ ràng đúng sai và giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.../.

Chu Quốc Hùng

Xem thêm