Những cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều việc làm cụ thể, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Hội thảo chuyên đề “Hội Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” giai đoạn 2024-2028 diễn ra ngày 22/5, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đưa ra những kết quả nổi bật, hạn chế, khó khăn của Hội Nông dân các cấp trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới và đưa ra những giải pháp thời gian tới.
Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, việc làm cụ thể, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, làm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc. Hội viên nông dân đã chủ động, tự giác, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, góp tiền, góp của trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo thông qua tuyên truyền cho nông dân thay đổi tư duy, thay đổi cách làm; hỗ trợ vốn, kiến thức, đào tạo nghề cho nông dân; vận động nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến.
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2023. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm của cán bộ Hội, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan để đóng góp ý kiến, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, không có điểm kết thúc, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó cần tăng cường tuyên truyền và vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và tổ chức sản xuất; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP…
Tiến sĩ Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho biết, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Do đó, tỉnh cần kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn của vùng và kết nối vùng. Các cấp Hội cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, liên kết hợp tác trong tiêu thụ nông sản; bảo đảm chuỗi cung ứng cho cơ sở chế biến, thị trường trong tỉnh và các điểm du lịch; tích cực giao thương ở thị trường toàn quốc và qua cửa khẩu mậu biên. Bên cạnh đó, Hội cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học; xây dựng một xã hội nông thôn học tập gắn với kinh tế số làm điều kiện cho đổi mới, sáng tạo; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển nông thôn mới, phát triển văn hóa.
Toàn tỉnh hiện có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 28/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh đã hoàn thành Chương trình 135, không còn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/người/ năm.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững, 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiêu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn bằng 3 lần so với năm 2020.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 11.351 buổi tuyên truyền cho 684.223 lượt người. Hội Nông dân các cấp cũng đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đóng góp trên 615 tỷ đồng, trên 9.000 ngày công, hiến trên 1 triệu m2 đất; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 1.610 km kênh mương, 2.185 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, sửa chữa hàng trăm nhà văn hóa thôn.../.