Xã hội

Những “hạt nhân sống” bảo vệ vững chắc biên cương

Lạng Sơn

Bộ đội Biên phòng tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng mối quan hệ gắn bó quân dân, tạo nên thế trận lòng dân vững chắc.

Ông Lương Văn Nghệ cùng cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) thống nhất nội dung trước khi tuyên truyền pháp luật tới bà con nhân dân địa bàn
 Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng, thời gian qua, rất nhiều người dân sinh sống trên khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đã ý thức được trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; phối hợp với các đơn vị biên phòng để tuần tra biên giới. Bà con các thôn, bản biên giới cũng đã phát hiện, cung cấp cho Bộ đội Biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Họ chính là những “cột mốc sống” vững chắc nhất cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền nơi biên cương Tổ quốc.

Gắn bó quân dân

Đồn Biên phòng Tân Thanh quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài hơn 13km với 38 cột mốc. Địa bàn đơn vị phụ trách khá rộng gồm 2 xã Tân Thanh, Tân Mỹ của huyện Văn Lãng, với 5 dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa. Xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là của toàn dân, đơn vị đã tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng mối quan hệ gắn bó quân dân, tạo nên thế trận lòng dân vững chắc.

Thượng tá Hoàng Văn Lĩnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tân Thanh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chính quyền địa phương tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm an ninh trật tự khu vực; thực hiện tuyên truyền cho nhân dân ký cam kết phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” tại địa phương. Từ đây, xuất hiện những tấm gương điển hình trong bảo vệ biên giới.

Ở thôn Nà Ngườm, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, nói đến ông Lương Văn Nghệ ai cũng biết bởi ngoài giọng nói khỏe khoắn, hào sảng thì ông luôn là người “sát cánh” cùng lực lượng biên phòng mỗi khi có công việc, bất kể ngày hay đêm. Ở độ tuổi 60, song ông Nghệ vẫn trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới, vệ sinh, phát quang khu vực mốc quốc giới ở những điểm cao, đi lại cực kỳ khó khăn vất vả.

Ông Nghệ nói: Đường biên giới rộng và dài, công việc của Bộ đội Biên phòng đi lại tuần tra kiểm soát càng khó khăn vất vả. Người dân chúng tôi sinh trong trên khu vực biên giới cũng tự biết cần phải cũng chung trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng công việc mà lực lượng biên phòng cần giúp thì tôi và bà con luôn sẵn sàng, tất cả cũng là mang lại sự bình yên cho thôn xóm.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Lĩnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh, Gia đình ông Nghệ luôn gương mẫu, đi đầu chủ động ký cam kết thực hiện phong trào bảo vệ biên giới. Ông còn tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã, trong thôn kịp thời phát hiện, báo cáo cho chính quyền và lực lượng biên phòng những vấn đề bất thường xảy ra ở khu vực biên giới. Ông Lương Văn Nghệ đã thường xuyên cùng các trưởng thôn, bản phối hợp tuyên truyền, tổ chức cho con em trong thôn, bản phát quang đường tuần tra biên giới, đường thông tầm nhìn biên giới; tuyên truyền, phổ biến để người dân chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Với những đóng góp ấy, ông Lương Văn Nghệ đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,… Ông Lương Văn Nghệ cũng vinh dự được tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024.

 “Sợi dây” kết nối bà con

Theo lời giới thiệu của Chỉ huy Đồn Biên phòng Pò Mã (Lạng Sơn), chúng tôi đến gia đình ông Đinh Hồng Quảng ở thôn Đoàn Kết, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Đây là tấm gương điển hình đóng góp công sức cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, xóm.

Ông Đinh Hồng Quảng và cán bộ Đồn Biên phòng Pò Mã trao đổi thông tin trên địa bàn
Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Là người dân tộc Tày, và dù đã gần 80 tuổi song ông Quảng còn rất minh mẫn. Nói đến những câu chuyện xây dựng quê hương giàu đẹp thì ông Quảng càng hoạt bát hơn. Phát huy vai trò là người có uy tín, trong những năm qua, ông Quảng và những người thân trong gia đình đã gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn. Đồng thời, vận động bà con trong thôn tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.

Trong thôn Đoàn Kết hiện có 9 hộ nhận tự quản đường biên với chiều dài 190m. Ông Quảng vì tuổi cao không trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới nhưng thường xuyên động viên con cháu và người dân trong bản tuần tra, phát quang đường tuần tra biên giới. Ông Quảng còn động viên con cháu và nhân dân trong thôn đập đá, hiến đất giải phóng mặt bằng và cùng với biên phòng thi công đường tuần tra bảo vệ biên giới các mốc 964, 965, 966 (đoạn biên giới khu vực thôn Đoàn Kết). Bên cạnh đó, ông Quảng đã vận động nhân dân trong thôn nhiệt tình ủng hộ, đóng góp trên 400 ngày công và 35 triệu đồng tiền mặt để làm được 350m đường bê tông xi măng nông thôn…

Trung tá Đỗ Văn Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã, tỉnh Lạng Sơn cho biết, bác Quảng là người nhiệt tình và có trách nhiệm, rực tiếp và thường xuyên động viên con cháu nhân dân trong thôn tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã tuần tra biên giới, kịp thời phát hiện các vấn để nảy sinh trên biên giới. Nhiều năm qua, bác được bà con bầu làm người có uy tín, trở thành “sợi dây” kết nối bà con trong thôn với lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, ở khu vực biên giới tỉnh hiện có 176 người có uy tín được cộng đồng công nhận. Người có uy tín ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cống hiến, đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt, người có uy tín đã cùng với lực lượng biên phòng xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tập huấn nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người có uy tín. Qua đó, người có uy tín phát huy vai trò, góp phần củng cố, tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới…/.

Nguyễn Quang Duy

Xem thêm