Giáo dục

Người mẹ của những trẻ khuyết tật

Hà Nội

Hơn 30 năm công tác tại ngôi trường đặc biệt này, cô Nguyễn Thị Vân Kiều đã trở thành một hình ảnh thân thiện, ấm áp của học sinh mỗi ngày đến trường.

Cô Vân Kiều được điều động sang dạy học sinh khuyết tật sau 22 năm gắn bó với học sinh tiểu học. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Kiều (sinh năm 1972) tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục tiểu học và đã có hơn 30 năm công tác tại Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cô đã gắn bó với học sinh khuyết tật hơn 11 năm, đồng hành với hàng trăm gia đình, hoàn cảnh. Cô đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của hàng trăm học sinh kém may mắn.

Trường Tiểu học Bình Minh ngoài việc hình thành và phát triển các khối lớp tiểu học cho trẻ bình thường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn cho phép nhà trường thành lập thêm một khối lớp đặc biệt dành cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ. Là giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh từ những ngày đầu thành lập, cô Kiều được phân công dạy học sinh tiểu học. Sau đó, với sự thay đổi cơ cấu của nhà trường cùng đặc thù nhiệm vụ, cô Kiều được điều động sang dạy học sinh khuyết tật sau 22 năm gắn bó với học sinh tiểu học.

Nhà giáo Trịnh Thị Lệ Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh chia sẻ: “Khi mới chuyển sang dạy trẻ khuyết tật, cũng như nhiều giáo viên khác, cô Kiều có đôi chút lúng túng bởi sự khác nhau về chuyên môn, đối tượng, môi trường làm việc. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, bằng tình yêu thương, cô đã từng ngày chinh phục được khó khăn, vất vả, đến gần hơn với những học sinh kém may mắn”.

Vượt lên trên tất cả, bằng tình yêu thương, cô Kiều đã từng ngày chinh phục được khó khăn, vất vả, đến gần hơn với những học sinh kém may mắn. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Vừa tỉ mỉ hướng dẫn một học sinh nữ làm hoa nhựa, cô Kiều vừa tâm sự: “Cũng không thấy khó khăn, vất vả nữa vì quen rồi. Kỳ nghỉ lễ hay nghỉ hè là tôi lại thấy thiếu vắng, nhớ trường, nhớ các con”

Chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ không đơn giản như chăm sóc trẻ bình thường khác. Mỗi học trò là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc, làm quen với con đã khó, nay dạy con làm theo ý mình là cả một nghệ thuật. Do đó, giáo viên cần có sự kiên trì, nhẫn nại và lòng yêu thương học sinh vô điều kiện. Dưới sự dẫn dắt của cô Kiều, các học sinh và giáo viên luôn có sự kết nối liên tục khiến không khí tiết học luôn vui vẻ, tràn ngập tiếng cười.

Cô Vân Kiều cho biết: “Từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, học sinh khuyết tật trí tuệ phải trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển khó khăn. Do trẻ có những đặc điểm tâm sinh lí không thuận lợi, quá trình nhận thức bị suy giảm nên đa số các con đều gặp nhiều khó khăn trong việc lĩnh hội các kiến thức, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ... Có học sinh không nói được và tôi phải giao tiếp với em qua ánh mắt, biểu hiện trên gương mặt”.

Học sinh lớp cô Kiều thường có phản ứng cảm xúc bất ngờ nên giáo viên phải luôn linh hoạt, đảm nhận vai trò “3 trong 1”: Thầy giáo, thầy thuốc và nhà tâm lý. 
 Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Các học sinh khuyết tật trí tuệ đều khá nhạy cảm, dễ tủi thân và cáu giận. Các em thường có phản ứng cảm xúc bất ngờ nên giáo viên phải luôn linh hoạt, đảm nhận vai trò “3 trong 1”: Thầy giáo, thầy thuốc và nhà tâm lý. Để đảm nhận được nhiều vai trò như thế, giáo viên không chỉ hiểu rõ từng mặt bệnh và biểu hiện của mỗi học sinh mà còn phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình của các em. Từ đó có những giải pháp riêng biệt, có lúc mềm mỏng nhưng có thời điểm cũng phải nghiêm khắc.

Cô Nguyễn Thị Vân Kiều bộc bạch: “Một trong những cái khó của chúng tôi là nhiều bố mẹ không chấp nhận việc con mình bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn khác, dẫn đến việc trốn tránh đưa con đi điều trị hoặc không kiên nhẫn theo đuổi các biện pháp can thiệp của bác sĩ cũng như nhà trường. Còn chúng tôi luôn tìm tòi các phương pháp giáo dục khác nhau, hy vọng các con mau tiến bộ. Chúng tôi chỉ mong sao dạy cho các con nhớ được những thứ đơn giản nhất, biết bày tỏ những điều mình mong muốn, biết phục vụ bản thân, quan tâm đến mọi người trong gia đình… Trong đó, hạnh phúc hơn cả là nhìn thấy các học sinh khuyết tật trí tuệ có thể tốt nghiệp và hòa nhập được với cuộc sống bình thường”.

Cô Kiều với giọng đọc ấm áp, truyền cảm đã đóng góp vào câu lạc bộ đọc sách trực tuyến của nhà trường trong thời điểm COVID-19 hoành hành. Cô Kiều đã ghi âm lại các bài thơ, bài văn và gửi cho học sinh đang phải học tại nhà, duy trì sự kết nối giữa giáo viên và học sinh.

Cùng với đội ngũ giáo viên trong trường, cô Kiều vẫn đang ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” kém may mắn bằng tình yêu thương từ trong trái tim mình, góp phần giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em học sinh trở nên gần hơn. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Hơn 30 năm công tác tại ngôi trường đặc biệt này, cô Nguyễn Thị Vân Kiều đã trở thành một hình ảnh thân thiện, ấm áp của học sinh mỗi ngày đến trường. Cùng với đội ngũ giáo viên trong trường, cô Kiều vẫn đang ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” kém may mắn bằng tình yêu thương từ trong trái tim mình, góp phần giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn.../.

Nguyễn Cúc

Xem thêm