Chính sách mới

“Chìa khóa” gắn kết tình quân dân

Nghệ An

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã nỗ lực mở lớp dạy, học tiếng Mông, qua đó, thắt chặt hơn tình cảm gắn bó quân dân.

Đọc thông, nói thạo tiếng dân tộc không chỉ là điều kiện quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) mà còn thể hiện sâu sắc hơn nữa tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã nỗ lực mở lớp dạy, học tiếng Mông, qua đó, thắt chặt hơn tình cảm gắn bó quân dân, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.

Những lớp học đặc biệt với giáo viên là cán bộ của đồn, người dân tộc Mông, đã giúp hàng chục cán bộ chiến sỹ đọc thông, viết thạo tiếng Mông. 
Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Đồn Biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn chịu trách nhiệm quản lý hơn 16km đường biên. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế; đa số đồng bào là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 85%, vì vậy, nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Mông của cán bộ, chiến sĩ càng trở nên cấp thiết.

Từ thực tế đó, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Na Ngoi quyết định mở các lớp học tiếng Mông. Những lớp học đặc biệt, với giáo viên giảng dạy là cán bộ của Đồn và cũng là con em đồng bào người Mông đã giúp hàng chục cán bộ, chiến sĩ đọc thông, viết thạo tiếng Mông. Ngoài các buổi học tập trung, đơn vị còn phân chia thành từng nhóm, đội công tác do một cán bộ người Mông phụ trách giúp đỡ các thành viên của lớp.

Cán bộ, chiến sĩ trong Đồn biên phòng Na Ngoi dễ dàng trao đổi và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng biên giới bằng tiếng dân tộc bản địa. 
Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết, đơn vị xây dựng kế hoạch mở lớp ngay từ đầu mỗi năm. Đối tượng học là tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đơn vị cũng giao cho các đồng chí là người dân tộc Mông có khả năng sư phạm lên lớp. Ở giữa kỳ đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm cho kỳ tiếp theo; qua đó có thể kịp thời thay đổi phương pháp học cho người học tiếp cận nhanh hơn.

Là người con của đồng bào Mông, có nhiều năm công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng ở nhiều địa bàn khác nhau, Thiếu tá Già Bá Ná được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ soạn thảo giáo án giảng dạy tiếng Mông và trực tiếp lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm to lớn của bản thân khi được đơn vị tín nhiệm giao phó, Thiếu tá Già Bá Ná đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi cách thức truyền giảng để các thành viên trong lớp lĩnh hội được kiến thức một cách dễ nhất và nhanh nhất.

Thiếu tá Ná cho hay, “Từ ngữ của đồng bào Mông có từ phát âm nặng, có từ phát âm nhẹ, xuất phát từ đó, tôi đã truyền đạt cho người học cách phát âm sao cho đúng. Lúc đầu, học viên còn bỡ ngỡ, nhưng nhờ cách tiếp cận theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” nên dần dần, học viên đều nắm vững kiến thức”.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, bên cạnh việc học lý thuyết trên lớp, đơn vị còn tổ chức kết hợp thực hành giao tiếp trong những giờ nghỉ hoặc trực tiếp xuống địa bàn công tác. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, tự tin trao đổi với bà con dân bản.

Đại úy Trần Hưng Huy, Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết, ngoài giờ học trên lớp, các chiến sĩ còn về tự học và học hỏi lẫn nhau để nắm chắc, hiểu sâu hơn. Nhờ đó, sau khi học xong, cán bộ, chiến sĩ đều có thể giao tiếp với đồng bào. Điều này giúp ích rất nhiều trong công tác vận động nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Theo Thiếu tá Lê Huy Hảo, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Na Ngoi, để giúp cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng thực hiện phương châm "4 cùng", hằng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đều chỉ đạo các đơn vị mở các lớp học tiếng dân tộc, tùy theo nhu cầu. Đa số người dân của xã Na Ngoi là dân tộc Mông, do đó, việc thông thạo tiếng nói của người Mông có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trao đổi được với bà con. Việc cán bộ, chiến sĩ có thể giao tiếp với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của họ tạo sự gần gũi, tin tưởng, được nhân dân tin yêu. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thuận lợi hơn; góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" nơi biên cương vững bền, xây dựng bản làng ngày càng phát triển./.

Văn Tý

Tin liên quan

Xem thêm