Qua nhiều thế kỷ, điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ truyền thống ấy trở thành hồn cốt quê hương xứ sở, làm nên một phần bản sắc văn hóa của xứ Thanh, được cộng đồng dân cư lưu giữ.
TTXVN - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ" là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, mang đậm màu sắc tín ngưỡng sông nước của người dân vùng đất Võng Ngư Phường xưa, Nhân Cao ngày nay.
Qua nhiều thế kỷ, điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ truyền thống ấy trở thành hồn cốt quê hương xứ sở, làm nên một phần bản sắc văn hóa của xứ Thanh, được cộng đồng dân cư làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lưu giữ, trao truyền suốt hàng trăm năm qua.
*Nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo
Nhân Cao là ngôi làng nhỏ nằm bên hữu ngạn sông Mã hình thành cách đây khoảng 600 năm, người dân chủ yếu làm nghề chài lưới. Khi dân cư đông đúc, họ tập trung khai phá đất hoang làm thành đồng ruộng, lập xóm, làng. Cái tên đầu tiên của làng là Ngư Võng Phường với nghĩa là làng làm nghề đánh bắt cá bằng chài lưới. Đến nay, nghề chài lưới trên sông không còn, Nhân Cao trở thành làng thuần nông nhưng những biểu hiện văn hóa sông nước còn rất đậm đà trong mọi phong tục, tập quán của làng.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, không ai nhớ nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” ở làng Nhân Cao có từ bao giờ, chỉ biết điệu múa này gắn liền với Lễ hội Ngư Võng Phường. Thành thông lệ, Lễ hội Ngư Võng Phường được tổ chức từ ngày 8 - 12 tháng Giêng hàng năm với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó, ngày 12 tháng Giêng là ngày chính lễ, chính hội. Sau khi kết thúc các hoạt động tế lễ, người dân bước vào Lễ hội Ngư Võng Phường với các điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ bày tỏ sự thành kính, biết ơn đến các vị thần linh, tổ nghề, tiền nhân bảo vệ, che chở, phù hộ cho người yên, vật thịnh, quốc thái, dân an.
Theo các nhà nghiên cứu, điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ ở làng Nhân Cao mô phỏng động tác lao động sản xuất của ngư dân sống trên sông nước.
Nét độc đáo, đặc sắc trong điệu “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” chính là sự kết hợp của hai hình thức hát chèo chải cổ và múa đèn. Trên nền nhạc múa hát giáo đèn, những cô gái trong đội múa đèn đội lên đầu đĩa có 5 ngọn đèn, vừa hát, vừa múa và cuối cùng là xếp các chữ như: Nhất, Nhị, Tam, Tứ và Ngũ hay Mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an. Động tác chủ đạo trong các bài múa này là sự nghệ thuật hóa hoạt động thực tế trong lao động, sản xuất như, chèo thuyền, kéo lưới, kéo chài… thu lượm sản vật trên sông nước. Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, cả đội múa lượn vòng tròn, nằm xuống đất lật người xếp thành bông hoa năm cánh. Bằng những động tác khéo léo, uyển chuyển, các thiếu nữ di chuyển thành một hàng ngang, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thủy (làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang) cho biết: "Múa đèn chạy chữ yêu cầu người múa phải linh hoạt kết hợp nhiều kỹ năng, động tác để làm sao vừa giữ vững được đèn đội trên đầu, không làm cho nến bị tắt mà vẫn nhớ được vị trí, thực hiện các động tác múa, xếp chữ khác…”.
Bên cạnh điệu múa đèn đội đầu xếp chữ tiết mục “Hát và múa chân sào” lại là tâm điểm của “Hát chèo chải cổ”. Xưa kia, trong lễ hội Ngư Võng Phường, chèo chải được diễn ra thực tế trên sông Mã, còn chèo chải cạn sẽ tổ chức tại sân đình làng. Tiết mục hát múa chèo chải cạn chính là mô phỏng thực tế hoạt động chèo thuyền của người dân phường chèo Nhân Cao khi xưa.
Đội hình múa gồm mười hai cô gái vừa đi vừa hát, tay giữ mái chèo. Khi đi ra đến sân khấu, đội hình xếp thành hai hàng chéo tượng trưng như mũi thuyền, hai người đứng đầu đứng tách ra khỏi hàng tượng trưng cho hai người chống sào mà các phường chài phải thuê đưa thuyền qua đoạn thác ghềnh, vượt sông. Lúc này, đội hình bắt đầu đứng tại chỗ thực hiện động tác chèo thuyền và cất tiếng hát các bài chèo chải cổ.
Nhạc cụ sử dụng khá đơn giản gồm: Đàn, trống, đàn bầu, nhị, sáo... thế nhưng nhờ sự tài tình của các nghệ sĩ dân gian, các giai điệu vừa vui nhộn vừa độc đáo được tạo ra. “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” cứ thế lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian mang đậm bản sắc địa phương, chỉ duy nhất có ở vùng đất Thiệu Quang hôm nay.
*Trao truyền cho các thế hệ nối tiếp
Do bối cảnh lịch sử và chiến tranh, “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” bị gián đoạn, đứt quãng một thời gian dài, đến năm 1977, được các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh và Trung ương sưu tầm, ghi lại làn điệu, cách diễn xướng của chính nghệ nhân từng tham gia thuở nào.
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, nỗ lực của chính quyền địa phương cùng các thế hệ cháu con làng Nhân Cao, múa đèn chạy chữ dần được khôi phục, phát triển. Nhiều lớp dạy và học hát múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ được tổ chức và thầy dạy chính là những người luôn nặng lòng với điệu hát chèo chải, điệu múa đèn chạy chữ truyền thống của quê hương như: Nghệ nhân Ưu tú Đàm Văn Sừ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thủy… Dù tuổi cao, sức yếu nhưng điều họ tâm đắc nhất là truyền lại cho con cháu hiểu và yêu câu hát, điệu múa nguyên bản của “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” ngày nào.
Là người am hiểu về các điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ, Nghệ nhân Ưu tú Đàm Văn Sừ (xã Thiệu Quang) năm nay bước sang tuổi 96. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cùng đội văn nghệ múa đèn chạy chữ làng Nhân Cao say sưa với từng nhịp trống, tiếng hát, điệu múa…
Nghệ nhân Ưu tú Đàm Văn Sừ cho biết, ông được sinh ra và lớn lên trên vùng đất mang đậm nền văn hóa, văn minh sông Mã. Trong đó Lễ hội Ngư Võng Phường là không gian thực hành và trao truyền các trò chơi, trò diễn, nghi lễ, trong đó có “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ”. Ông sẵn sàng trao truyền lại cho lớp trẻ nghệ thuật dân gian độc độc đáo này.
Cũng là người có nhiều tâm huyết với điệu chèo chải, múa đèn chạy chữ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thủy theo học các lớp "Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ" do nghệ nhân truyền dạy. Rồi bà tự mày mò, nghiên cứu, thu thập tư liệu, chép lại lời của điệu múa, lời hát qua lời kể và trí nhớ của các cụ cao niên trong làng. Bà Thủy được chính tay mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Chua - người từng đoạt Huy chương Vàng với tiết mục xuất sắc múa đèn tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực III năm 1979 của Bộ Văn hóa và Thông tin dạy từng điệu múa, chỉnh từng lời hát.
Mong ước sẽ truyền thụ "Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ" cho thế hệ trẻ, để các điệu múa, lời ca không bị mai một theo thời gian... đội văn nghệ múa đèn chạy chữ làng Nhân Cao được các nghệ nhân thành lập với 20 thành viên nòng cốt.
Trong niềm vui của Nghệ nhân Đàm Văn Sừ, Nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy và những người một lòng một dạ với "Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ", tiết mục “Múa đèn chạy chữ” do đội văn nghệ làng Nhân Cao biểu diễn đã giành nhiều giải cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn của huyện, tỉnh như: Giải Nhì tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc Thanh Hóa lần thứ XIV năm 2012; giải A tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII; giải A Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX…
Trăn trở lớn nhất của những người tâm huyết với “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” chính là số thành viên trong đội văn nghệ múa đèn chạy chữ làng Nhân Cao ít lại đa phần là người lớn tuổi. Những người biết sử dụng trống, đàn bầu, nhị, sáo... không nhiều. Các nghệ nhân cũng như thành viên trong đội văn nghệ thường xuyên vận động lớp trẻ học múa đèn, hát chèo chải song việc làm đó không dễ bởi lớp trẻ yêu thích “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” không nhiều.
Trong Lễ đón Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian "Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ" mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định, việc gìn giữ và bảo tồn, phát triển di sản này không chỉ là trách nhiệm của các nghệ nhân, người dân trong vùng di sản mà còn là trách nhiệm của chính quyền, nhân dân xứ Thanh.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, UBND huyện Thiệu Hóa cần quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn xã Thiệu Quang, nghệ nhân và người dân vùng di sản trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của di sản. Từ đó quan tâm xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu bằng nhiều hình thức nhằm lan tỏa rộng rãi các giá trị của Di sản “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” tới nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, làm sáng tỏ hơn nữa về các giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ”.
Trong những năm gần đây “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” đang dần trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Hóa, góp phần thu hút khách du lịch thập phương, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Thông qua các hoạt động, giá trị văn hóa “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” của cộng đồng được bảo tồn và phát triển. Đây là những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển di sản “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” ở xứ Thanh./.