Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận, đánh giá những xu hướng liên kết kinh tế mới, cũng như các vấn đề đặt ra với kinh tế thế giới, từ đó rút ra những bài học chính sách cho Việt Nam.
\TTXVN - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Xu hướng tập hợp lực lượng, hình thành các liên minh, liên kết kinh tế mới, các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam".
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra gay gắt, xu hướng quan hệ quốc tế thay đổi mạnh, sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực đã và đang tác động đến quan hệ quốc tế, tập hợp lực lượng giữa các nước không chỉ trong phạm vi các khu vực mà biến động sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, Tọa đàm này là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận, đánh giá những xu hướng liên kết kinh tế mới, cũng như các vấn đề đặt ra với kinh tế thế giới, từ đó rút ra những bài học chính sách cho Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn An Hà, Viện Nghiên cứu Châu Âu cho rằng, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội; làm thay đổi hoàn toàn cách con người tương tác lẫn nhau và tương tác với thế giới.
Tiến sỹ Lê Thị Vân Nga, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cho biết, trong khu vực ASEAN, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines được đánh giá là những quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển và thiết kế vi mạch điện tử. Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, bao gồm: Sở hữu các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn (đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm), có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng có xu hướng tự do, môi trường chính trị, kinh tế và xã hội ổn định...
Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, Tiến sỹ Lê Thị Vân Nga đề xuất, Việt Nam cần tăng cường thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng và tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Đồng thời, Việt Nam cần có thêm các chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường sản xuất chip, có các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp về tài chính, luật pháp và các thủ tục hành chính.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực tự nâng cao khả năng năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng sản phẩm và đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế, từ đó mới có thể nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Tại tọa đàm, các đại biểu nghe một số tham luận về: Xu thế liên kết kinh tế của EU trong bối cảnh mới; tận dụng tốt hơn các xu thế liên kết kinh tế của khu vực ASEAN.../.
- Từ khóa:
- liên kết kinh tế mới
- Việt Nam
- bán dẫn