Chiều 19/12, Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” - hoạt động trong chuỗi Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” do Quỹ VinFuture tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
TTXVN - Chiều 19/12, Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” - hoạt động trong chuỗi Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” do Quỹ VinFuture tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra cho các diễn giả đối với các vấn đề về trí tuệ nhân tạo (AI) như: AI sẽ “cướp” mất hay tạo thêm công việc cho con người? AI có thể vượt tầm kiểm soát của con người và “nổi loạn” như trong các bộ phim viễn tưởng? Giải đáp của các chuyên gia tại Tọa đàm đưa ra một bức tranh toàn diện về sự phát triển của AI, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Theo các nhà khoa học, các tiến bộ trong nghiên cứu AI đã mở ra triển vọng đáng kinh ngạc cho tăng trưởng kinh tế. Các công ty và tổ chức nghiên cứu có thể tận dụng sức mạnh tính toán của AI để tăng cường năng suất và giảm thời gian nghiên cứu. Nhờ đó, chi phí sản xuất được tiết giảm, khả năng đổi mới được tăng cường, giúp tạo ra một môi trường làm việc thú vị và cạnh tranh, tiết kiệm công sức của con người trong những phần việc truyền thống. Nhưng đó chỉ là viễn cảnh khả quan nhất.
Trên thực tế, AI đã đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an ninh và sự bình đẳng trong tiếp cận, đặc biệt khi khả năng của AI ngày càng lớn. Các thách thức có thể đến từ việc sức mạnh của AI bị sử dụng vào mục đích xấu. AI đưa ra quyết định thiếu toàn diện trong những tình huống khó xử về mặt đạo đức; hoặc quyền kiểm soát năng lực khổng lồ của AI nằm trong tay một nhóm thiểu số...
Chủ trì Tọa đàm, Tiến sỹ Xuedong Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture phân tích, AI chỉ được đào tạo và xây dựng bằng dữ liệu. Nếu dữ liệu bạn thu thập bị sai lệch, điều đó sẽ được phản ánh trong kết quả cuối cùng và quyết định cũng sẽ bị sai lệch.
“Bản thân mô hình AI cũng không hoàn hảo; cần thực sự phát triển một lớp sàng lọc để đảm bảo rằng nội dung đầu ra từ AI đáp ứng các tiêu chuẩn cộng đồng. Bất kỳ công nghệ mới nào cũng sẽ mang lại sự thay đổi cho xã hội. Vì vậy, chúng ta cần phải cởi mở, đón nhận sự thay đổi đó, bởi chỉ riêng AI sẽ không thể thực sự giải quyết được tất cả các vấn đề mà con người đang gặp phải”, Tiến sỹ Xuedong Huang khẳng định.
Chia sẻ về mối quan hệ giữa con người và máy móc cũng như việc AI đang tái định hình cách con người nhìn nhận về thế giới, công việc hay cách con người giao tiếp với nhau, Giáo sư Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard, Hoa Kỳ (Chủ nhân Giải thưởng A.M Turing 2011) cho rằng, AI cũng như vấn đề hạt nhân, chỉ xấu khi được sử dụng vào mục đích xấu. Do đó, con người cần chung tay để kiểm soát và sử dụng an toàn AI thay vì trao quyền kiểm soát cho máy tính, AI.
Trong phiên thảo luận, chuyên gia dự Tọa đàm dành một phần quan trọng để thảo luận về chính sách phát triển AI tại các nước, đặc biệt là Việt Nam. Các chuyên gia cho biết, năm 2023 chứng kiến những cuộc tranh luận bùng nổ về trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của công nghệ này tới đời sống, khi AI dần trở thành yếu tố mới định hình kinh tế - xã hội toàn cầu. Các chatbot AI trở thành nơi tìm kiếm và truy vấn thông tin của hàng triệu người. ChatGPT của OpenAI đạt mức 100 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng, mức tăng trưởng kỷ lục so với bất kỳ loại dịch vụ Internet nào.
Đặc biệt, sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ GPT-3 (2022) và GPT-4 (2023) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của AI. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những dự báo về mặt trái. Theo các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs (Hoa Kỳ), khoảng 300 triệu người trên thế giới có thể sẽ mất việc vì công nghệ này.
Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc, Công ty VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup đánh giá, trào lưu AI đã nhìn thấy rõ với nhiều ứng dụng AI như ChatGPT, các ứng dụng tạo ra hình ảnh, video cùng nhiều ứng dụng khác. Các bạn trẻ Việt Nam bắt kịp những trend này rất nhanh. Tuy nhiên, không chỉ học theo công nghệ, đội ngũ kỹ sư giỏi về công nghệ của Việt Nam đã nắm được công nghệ lõi và phát triển thành những ứng dụng riêng biệt. Điển hình là mô hình ngôn ngữ lớn cho tiếng Việt như PhởGPT hoặc là một vài mô hình ngôn ngữ tiếng Việt khác. Đây là minh chứng cho thấy đội ngũ trí tuệ Việt Nam đã bắt kịp nhanh chóng với thế giới trong cuộc đua này.
Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hải Hưng cho rằng, công nghệ càng phát triển, sự ảnh hưởng của nó đối với xã hội càng lớn. Câu hỏi quan trọng đặt ra là làm thế nào để những công nghệ này được sử dụng vào mục đích vì con người. Trào lưu AI tại Việt Nam đang theo kịp thế giới, giúp tự động hóa nhiều tác vụ như: Tạo ra contents trong lĩnh vực marketing, hỗ trợ khi người dùng muốn tìm hiểu một kiến thức nào đó... Trong tương lai, cần phát triển công nghệ lõi để có những công cụ cho người Việt phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam./.