Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và đang tiếp tục hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt càng có nhiều ý nghĩa hơn.
TTXVN - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo "Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt có vai trò hết sức quan trọng cho phát triển cộng đồng doanh nghiệp và cho phát triển của nền kinh tế.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và đang tiếp tục hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt càng có nhiều ý nghĩa hơn.
Thời gian qua, Việt Nam đã có một số chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu, chẳng hạn như Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7-1-2016, của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó đã yêu cầu rõ: "Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phấn đấu xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế".
Tuy nhiên, ở góc độ hạn chế, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ.
Thương hiệu hàng Việt Nam còn mờ nhạt trong con mắt người tiêu dùng nước ngoài. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chưa dựa nhiều vào giá trị.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn hy vọng qua hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng thảo luận sâu, đa chiều về vấn đề quan trọng này, đề xuất giải pháp và kiến nghị về chính sách đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới cho các nhà hoạch định chính sách cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đáng giá về xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên trưởng Khoa Marketing, Đại học Thương mại cho biết, theo báo cáo gần đây của Tổ chức Định giá thương hiệu quốc gia (Brand Finance), giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng tới 11% trong năm 2022, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD.
Do vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách thức xây dựng thương hiệu khác nhau tùy thuộc vào đặc thù nguồn lực của mình, đặc điểm sản phẩm và thị trường cung ứng cũng như các biến động từ môi trường và hoạt động của các đối thủ cạnh tranh.
Để xây dựng thành công thương hiệu, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh, doanh nghiệp cần phải nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm (gồm cả yếu tố phần cứng và yếu tố phần mềm của sản phẩm); hoàn thiện bộ nhận diện và các điểm tiếp xúc thương hiệu, phát triển các giao tiếp nội bộ (truyền thông, chia sẻ, tạo được môi trường làm việc nhân văn kích thích sáng tạo...); giao tiếp với bên ngoài (quảng bá thương hiệu, linh hoạt và mở rộng kênh phân phối, ứng xử linh hoạt, tôn trọng khách hàng, cộng đồng...).
Tiến sỹ Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, khi doanh nghiệp muốn có bộ nhận diện nhãn hiệu mạnh, toàn diện, phù hợp với những yêu cầu và định hướng mới của doanh nghiệp, bắt kịp xu hướng thị trường và cạnh tranh với đối thủ, việc làm mới nhãn hiệu chính là một giải pháp mang tính "thẩm mỹ" nhãn hiệu.
Với cách làm này sẽ nhằm tăng ấn tượng thị giác của khách hàng, qua đó có thể có tác động mạnh mẽ, trên phạm vi rộng tới nhận thức, hành vi của người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu mới này và các giá trị khác mà doanh nghiệp mang lại.
Có thể nói, nhãn hiệu sau khi được làm mới được coi là biến thể của nhãn hiệu ban đầu, các thành phần mang tính chủ đạo, cốt lõi cấu thành của nhãn hiệu ban đầu được giữ nguyên.
Tùy thuộc doanh nghiệp và các vấn đề đang phải đối mặt, việc làm mới nhãn hiệu thậm chí có thể bao gồm các điều chỉnh về văn hóa, triết lý kinh doanh, khẩu hiệu và dịch vụ. Tuy nhiên, những thay đổi này không bao gồm thay đổi vị trí thị trường cơ bản.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề chủ yếu như: Nhận diện thực trạng, những khó khăn và thách thức của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu; xác định những cơ hội cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp chính sách để đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong bối cảnh mới đang thay đổi./.
- Từ khóa:
- Giải pháp
- thương hiệu
- doanh nghiệp Việt Nam