Du lịch

Kết nối sản phẩm truyền thống xây dựng thương hiệu du lịch

Bắc Ninh

Đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Du khách đến tham quan tại Đền Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

TTXVN - Xác định du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Ninh đã đưa ra các giải pháp đột phá phát triển du lịch trong năm 2023. Đến hết tháng 11/2023, Bắc Ninh đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch 11 tháng ước đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 50%.

Bắc Ninh đặt mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững, tương xứng tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh. Đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đục nét để in tranh Đông Hồ. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, năm 2023, Sở tập trung nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường du lịch trọng điểm của tỉnh; tham mưu chính sách phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng Quy chế quản lý điểm du lịch; tổ chức hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch. Trong đó có chương trình tọa đàm, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước và hơn 40 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành về công tác phát triển tour, tuyến du lịch gắn với hai thiết chế Nhà hát Dân ca Quan họ tại làng Diềm (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) và Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành), thảo luận hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên sông Cầu, sông Đuống…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị mỗi huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu lựa chọn và xây dựng ít nhất một sản phẩm du lịch của địa phương, trong đó ưu tiên sản phẩm có sự kết nối giữa các huyện, đẩy mạnh sản phẩm du lịch ban đêm, trước mắt, tập trung vùng đô thị như thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ. Sở cũng phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mở, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh cũng như kết nối với tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Ninh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản văn hóa và nhiệm vụ phát triển du lịch; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối trung tâm, khu, điểm du lịch, điểm di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong xây dựng sản phẩm truyền thông du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm đến. Bắc Ninh xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, di sản văn hóa với xúc tiến du lịch và phát triển thị trường.

Nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agola chia sẻ danh sách những điểm đến mới của Việt Nam, trong đó, Bắc Ninh ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 234%. Danh sách này dựa trên kết quả so sánh dữ liệu tìm kiếm cùng kỳ năm 2022 và 2023 về những điểm đến mới nổi đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ du khách trong và ngoài nước. Điều này cho thấy nỗ lực của ngành Du lịch và cộng đồng Bắc Ninh bước đầu có kết quả khả quan./.

Thanh Thương

Tin liên quan

Xem thêm