Khoa học

Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, giảng dạy Văn học so sánh Đông Nam Á

Cùng với quá trình hội nhập, việc nghiên cứu, giảng dạy về văn học Đông Nam Á đòi hỏi phải có những chuyển dịch phù hợp cả về quan điểm, cách tiếp cận, lý thuyết và các khả năng thực hành.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lý thuyết và những khả năng ứng dụng”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đến từ các trường Đại học lớn của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Hoa Kỳ, Italy…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Đông Nam Á hiện đang là khu vực quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa. Đây cũng là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến, bản địa hóa nhiều luồng văn hóa khác nhau. Ở Việt Nam, lý luận về văn học so sánh mới được quan tâm vài thập niên gần đây. Bộ môn văn học so sánh đã được vào giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật, ứng dụng về văn học so sánh xuất bản nhiều ở Việt Nam.

Ban chủ tọa điều hành nội dung thảo luận tại Hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Cùng với quá trình hội nhập, việc nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh ở Việt Nam. Trong xu thế này, việc nghiên cứu, giảng dạy về văn học Đông Nam Á đòi hỏi phải có những chuyển dịch phù hợp cả về quan điểm, cách tiếp cận, lý thuyết và các khả năng thực hành. Do đó, hội thảo này chính là cơ hội góp phần cung cấp chất liệu để tìm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng dạy văn học so sánh ở Việt Nam. Các nhà khoa học trong khu vực và bên ngoài khu vực Đông Nam Á, với những truyền thống học thuật và quan điểm khoa học tiếp tục cung cấp tri thức, đóng góp vào sự mở rộng tầm nhìn, dịch chuyển các góc nhìn, cách diễn giải về các nền văn học, các tác phẩm văn học ở Đông Nam Á.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nền văn học các nước Đông Nam Á luôn biểu đạt những đặc trưng dân tộc, văn hóa của mỗi quốc gia trong tiến trình chuyển động chung, trong những tương tác văn hóa, chính trị của khu vực. Tuy nhiên, bộ phận văn học này chưa chiếm vị trí đáng kể trong “bức tranh” văn học thế giới.

Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Thanh Trường mong rằng, trong tương lai hội thảo sẽ trở thành một sự kiện học thuật uy tín, tạo nên sự kết nối giữa các học giả ở trong và ngoài nước có cùng mối quan tâm đến văn học so sánh Đông Nam Á. Đồng thời, hội thảo còn là cơ hội để các đại biểu tiếp cận các tác phẩm văn học Đông Nam Á, đặc biệt là các tác phẩm hiện đại và đương đại trong sự so sánh, quy chiếu với nhau để thảo luận về các vấn đề dân tộc, văn hóa, xã hội, lịch sử của Đông Nam Á từ góc nhìn của các lý thuyết hiện đại.

Quang cảnh họp tại Tiểu ban 6 (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Với 10 tiểu ban, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận một số vấn đề chính như: Bối cảnh Đông Nam Á của việc sáng tạo và diễn giải văn học ở các quốc gia; đặc trưng dân tộc và tính phổ quát của văn học Đông Nam Á; quá trình kinh điển hóa tác phẩm văn học ở các nước, chính sách nhà nước về văn hóa, văn học dân tộc; thị hiếu công chúng…

Ngoài ra, các đại biểu, nhà khoa học đã trao đổi cách tiếp cận các tác phẩm văn học, các xu hướng và hiện tượng văn học cũng như cách giảng dạy và nghiên cứu văn học ở trong khu vực trên cơ sở quy chiếu, so sánh với nhau, để từ đó gợi mở những suy nghĩ về đặc điểm của văn học so sánh Đông Nam Á trên phương diện lý thuyết, lịch sử và thực hành. Thông qua hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất những cách tiếp cận mới trong khoa học văn học so sánh khi đào sâu sự tương tác giữa các nền văn học Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

Diệu Thúy

Xem thêm