Giáo dục

Hợp tác quốc tế hướng tới chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của khu vực Đông Nam Á, với nguồn lực còn nhiều hạn chế, hợp tác quốc tế được xem là cách làm hiệu quả để cùng nhau hướng tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu xuất sắc.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: nguồn USTH)

TTXVN - Hội thảo quốc tế của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (ASAIHL) với chủ đề “Hợp tác quốc tế hướng tới chất lượng xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu” đã khai mạc ngày 7/12, tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chủ trì tổ chức.

Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á được thành lập năm 1956 tại Băng Cốc - Thái Lan với tư cách là một tổ chức phi chính phủ. Mục tiêu của Hiệp hội là hỗ trợ các trường đại học phát triển, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế về giảng dạy, nghiên cứu và các dịch vụ công cộng. Đến nay, ASAIHL có 245 trường đại học thành viên đến từ 25 quốc gia trên thế giới.

Với mục tiêu kết nối, chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu, từ đó xây dựng, phát triển các chương trình hợp tác, ASAIHL tổ chức các hội nghị, hội thảo thường niên tại các trường thành viên.

Hội thảo năm nay được tổ chức từ 7-9/12, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là cơ hội để các quốc gia trong khu vực, các trường thành viên của ASAIHL cũng như các chuyên gia quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các đối tác trong khu vực Đông Nam Á, giữa các đối tác trong khu vực và các đối tác từ EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn... Trong đó, đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm phát triển hợp tác trao đổi sinh viên là một nội dung ưu tiên thảo luận.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận về các sáng kiến đảm bảo chất lượng đào tạo. (Ảnh: nguồn USTH)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ninnat Olanvoravuth, Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á cho biết: Mạng lưới hợp tác là một yếu tố quan trọng để mọi người trao đổi các sáng kiến, nâng cao hiểu biết chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm giải quyết các vấn đề mới.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là một ví dụ điển hình cho sự thành công của hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và nghiên cứu. Trường đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp, của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và mạng lưới hơn 30 trường đại học và tổ chức nghiên cứu Pháp.

Thông qua Hội thảo lần này được tổ chức tại USTH, Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á hy vọng các trường đại học cùng nhau trao đổi các sáng kiến, chia sẻ câu chuyên thành công, những góc nhìn sâu sắc về hợp tác quốc tế trong bối cảnh còn nhiều thách thức, nhằm hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Giáo sư Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: nguồn USTH)

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của khu vực Đông Nam Á, với nguồn lực còn nhiều hạn chế, hợp tác quốc tế được xem là cách làm hiệu quả để cùng nhau hướng tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu xuất sắc.

Giáo sư Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh các trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp (USTH Consortium) đã đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập các khoa chuyên môn, điều phối các chương trình thạc sỹ đồng thời xây dựng các nhóm nghiên cứu đầu tiên của nhà trường. Với hơn 2.200 giờ dạy và hơn 100 lượt giảng viên mời giảng mỗi năm tới USTH, Liên minh USTH Consortium đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế cho các hoạt động khoa học của nhà trường.

Bên cạnh đó, Giáo sư Jean-Marc Lavest cũng cho rằng: Giống như nhiều quốc gia đang phát triển, Việt Nam sẽ khó có những bước tiến bền vững nếu không đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Đào tạo trình độ cao trong nghiên cứu, đào tạo đội ngũ nhà lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước là một tiền đề thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam. Bởi nếu thiếu nghiên cứu, đổi mới và đầu tư, sẽ không thể có sự thay đổi trong bảng xếp hạng của các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo là một trong các diễn giả chính tại hội thảo. (Ảnh: nguồn USTH)

Đánh giá về hợp tác quốc tế trong các trường đại học Việt Nam, Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chia sẻ: Trong thời gian qua, với giáo dục đại học Việt Nam, thông qua hợp tác quốc tế đã giúp các trường mở cửa và hội nhập, giao lưu về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, hợp tác quốc tế hỗ trợ cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao cho Việt Nam. Qua các dự án quốc tế, các tổ chức quốc tế cũng quan tâm, hỗ trợ Việt Nam các dự án để tăng cường năng lực đào tạo. Nhờ đó, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã lớn mạnh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, hợp tác quốc tế nếu cùng chung mục đích, cùng chung nhiệm vụ, cùng chung nguồn lực thì sẽ có tính bình đẳng rất cao nhưng đòi hỏi năng lực của các bên phải tương đồng nhau. Việt Nam có điểm xuất phát còn thấp nên chúng ta đang hợp tác theo chiều tiếp nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước để đào tạo cán bộ và nhận viện trợ nên ở chừng mực nào đó, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp nhận học bổng của các nước để đào tạo cán bộ trình độ cao cho Việt Nam thì Nhà nước cần đặt ra những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, việc triển khai những nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ, không chỉ do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện mà cần có hợp tác thu hút nguồn lực là chuyên gia nước ngoài đến làm việc cho Việt Nam, tạo ra sản phẩm cho Việt Nam. Khi đó, hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều./.

Việt Hà

Xem thêm