Diện tích cháy khoảng 1 hecta, chủ yếu là cây bụi, gỗ tạp; đến sáng 10/1 đám cháy đã cơ bản được khống chế, song do thời tiết hanh khô và gió nên đám cháy có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Ngày 10/1, lực lượng chức năng thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra đám cháy rừng, tuy nhiên, do trời hanh khô kèm gió lớn nên gây khó khăn cho việc khống chế đám cháy. Các lực lượng chức năng tích cực phối hợp để dập tắt đám cháy.
Theo đó, vào khoảng 10 giờ 15 phút, ngày 9/1, xuất hiện đám cháy rừng tại tổ 1, khu 4, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, thực hiện các biện pháp dập lửa, ngăn cháy lan. Lúc này, đám cháy không có nguy cơ cháy lan sang nhà dân, vì thế các lực lượng đã tập trung dập tắt lửa ngay. Tuy nhiên, do gió to, thời tiết hanh khô, đến chiều tối cùng ngày, đám cháy bùng phát trở lại, lan sang phía đồi thuộc khu 7, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Diện tích cháy khoảng 1 hecta, chủ yếu là cây bụi, gỗ tạp; đến sáng 10/1 đám cháy đã cơ bản được khống chế, song do thời tiết hanh khô và gió nên đám cháy có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Các lực lượng gồm: Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Quảng Ninh), Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hạ Long), cán bộ chiến sĩ Công an phường Bãi Cháy, các lực lượng Quân đội, Kiểm lâm, Công ty Môi trường đô thị Hạ Long; cán bộ và lực lượng an ninh cơ sở phường Bãi Cháy vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp khống chế và dập tắt đám cháy.
Trước đó, trong các ngày từ 17-19/12/2024, cũng tại khu vực đồi từ khu 4 đến khu 7 phường Bãi Cháy đã liên tiếp xảy ra cháy rừng.
Theo thống kê từ sau bão số 3 đến nay, tại Quảng Ninh xảy ra khoảng 40 điểm cháy, thiệt hại hàng chục hecta rừng thực bì, gây tác động đến an toàn phòng cháy, uy hiếp môi trường, an toàn nguồn nước cùng nhiều hệ lụy khác. Trước thực trạng trên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng tại các địa phương trên địa bàn cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân; tăng cường việc phân vùng nguy cơ cháy rừng và phương án phòng chống cháy rừng; khẩn trương triển khai phương án thu dọn, vệ sinh hiện trường rừng bị thiệt hại, ưu tiên việc xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với 100% chủ rừng không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô; tăng cường tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn triển khai phương án phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng nhân lực và trang thiết bị để chủ động ứng phó xử lý cháy rừng./.