Xã hội

Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới trong trường học

Nghệ An

Chương trình truyền thông là hoạt động góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu, thiếu nhi về nguy cơ, tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, qua đó xây dựng lối sống lành mạnh, môi trường không khói thuốc lá.

Tọa đàm với các chuyên gia, nhà quản lý tại chương trình. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

TTXVN - Chiều 15/10, tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, Tỉnh Đoàn Nghệ An, Sở Giáo dục và đào tạo cùng Báo Tiền Phong tổ chức chương trình truyền thông: “Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới”. Sự kiện thu hút sự tham gia của 1.500 học sinh, cán bộ, giáo viên ở huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh.

 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh và Tổng Biên tập Báo Tiền phong Lê Xuân Sơn dự sự kiện.

Thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới đã và đang từng bước thâm nhập vào môi trường học đường và giới trẻ. Theo kết quả điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 34 tỉnh, thành phố ở Việt Nam cho thấy có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, riêng học sinh ở thành thị là 3,77%. Với học sinh trung học cơ sở là 2,15% và 3,1% với học sinh trung học phổ thông.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Tiền phong Lê Xuân Sơn nhấn mạnh: Thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều loại, dưới nhiều hình thức, thiết kế hấp dẫn, thu hút. Riêng hương liệu có hơn 20.000 loại, rất hấp dẫn học sinh, lứa tuổi ham khám phá, muốn thử nghiệm. Thuốc lá có nhiều hoạt chất khác nhau, một số hoạt chất đến nay chưa xác định được độ nguy hại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã cung cấp thông tin, trong một số loại thuốc lá điện tử đã trộn cả ma túy.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử là không nhỏ và con số này tăng lên qua các năm. Đến năm 2022, học sinh hút thuốc lá điện tử là 2,56%, học sinh ở thành thị hút thuốc lá nhiều hơn học sinh ở nông thôn. Đa số các em hút thuốc lá điện tử trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi.

Ban tổ chức dành tặng 20 suất học bổng cho học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Trinh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Chương trình truyền thông "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới" là hoạt động thiết thực, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu, thiếu nhi về nguy cơ, tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, qua đó xây dựng lối sống lành mạnh, môi trường không khói thuốc lá trong thanh thiếu nhi.

Chương trình trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp trong tuyên truyền tại cơ sở, góp phần quan trọng giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới gây ra; đưa Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sống; hướng tới mục tiêu xây dựng Nghệ An là địa điểm đến “không khói thuốc lá”.

Tại chương trình,  tọa đàm với các chuyên gia, nhà quản lý, học sinh được tổ chức để nhận diện những loại chất gây nghiện thế hệ mới và thuốc lá điện tử; tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người, trong đó có học sinh; hành động để môi trường học đường nói riêng, xã hội nói chung không khói thuốc...

Các chuyên nhà, nhà quản lý cùng thảo luận giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Đoàn, Đội với nhà trường, gia đình trong quản lý, không để học sinh tham gia các tệ nạn xã hội. Nhà trường kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện sớm học sinh dùng thuốc lá và thuốc lá điện tử để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, các bên liên quan chuyển tải thông điệp “nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới” trong học đường, mong muốn đưa thuốc lá điện tử vào Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức dành tặng 20 suất học bổng cho học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Duy Trinh./.

Bích Huệ

Xem thêm