Thời gian tới, các cấp Hội sẽ hướng mạnh về cơ sở để tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
TTXVN - Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng địa hình để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Tại thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, nhắc đến anh Triệu Văn Trạch (sinh năm 1968) ai cũng biết không chỉ bởi ngoài là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, anh còn là người nông dân ham học hỏi, tìm tòi cái mới trong lao động sản xuất nông nghiệp.
Gia đình anh Trạch có 1 ha đất trồng 1.000 cây na; nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, cắt tỉa cành, chăm sóc, đúng kỹ thuật, sản xuất Na theo tiêu chuẩn VietGap, vườn na của gia đình cho thu hoạch từ 400- 450 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).
Theo nông dân Triệu Văn Trạch, để có được kết quả trên, anh đã áp dụng sản xuất Na an toàn theo hướng VietGap và vận dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm chi phí, đồng thời gia đình còn phát triển mô hình chăn nuôi khép kín. Gia đình xác định mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế theo chiều hướng sản xuất nông nghiệp cây ăn quả cho thu nhập cao.
Với cương vị Chi hội trưởng nông dân thôn, anh Trạch chủ động phối hợp với Hội Nông dân xã, huyện, các phòng chuyên môn để cùng tập huấn cho bà con trồng na về kỹ thuật trồng na theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ cấp phát thuốc bẫy bả ruồi vàng và hộp bao bì sản phẩm na…
Với nông dân Lê Thế Tấn (sinh năm 1981) ở thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, chính hoàn cảnh khó khăn đã tạo động lực cho anh và gia đình mạnh dạn lựa chọn mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi và đã có thành công bước đầu.
Nông dân Lê Thế Tấn cho biết, trước đây, gia đình có 15.000 m2 là đất vườn nhưng với lối sản xuất nông nghiệp truyền thống nên cây trồng chỉ cho thu nhập thấp, lại không ổn định. Được Hội Nông dân cho đi thực tế học tập kinh nghiệm tại các mô hình kinh tế hiệu quả kết hợp với kinh nghiệm của bản thân, anh đã mạnh dạn lựa chọn mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
Năm 2010, anh Tấn sử dụng toàn bộ diện tích 15.000m2 để trồng cây bưởi với số vốn đầu tư 35 triệu đồng. Đến nay, số cây đã được nâng lên con số 500, thu hoạch ước đạt 12 tấn/năm, giá trị ước đạt 160 triệu đồng/năm. Anh Tấn tiếp tục quy hoạch khu chăn nuôi gà thương phẩm quy mô 3.000 con; đến nay tổng thu nhập từ chăn nuôi giá trị ước đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Nước thải chăn nuôi được gia đình thu gom về bể bioga dùng để tưới vườn, nhờ đó đã giảm được khoảng 30% chi phí đầu vào trong sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường.
Nông dân Lê Thế Tấn chia sẻ: Thời gian tới, gia đình tiếp tục đầu tư theo hướng nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh phát triển kinh tế, gia đình thường xuyên trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên nông dân và bà con trong và ngoài xã, trực tiếp giúp đỡ mỗi năm từ 2 - 8 hộ về giống, kỹ thuật trồng cây bưởi; góp phần tuyên truyền vận động các hộ gia đình trong thôn tham gia trồng bưởi đến nay trên địa bàn thôn Liên Phương có 70 hộ trồng với diện tích khoảng 15 ha…
Là tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có dân số khoảng trên 800 nghìn người, trong đó nông dân chiếm khoảng 78%. Theo Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; qua đó từng bước khắc phục tình trạng sản xuất kinh tế hộ manh mún, nhỏ lẻ. Đến năm 2023, các cấp Hội Nông dân Lạng Sơn đã thành lập được trên 210 tổ hợp tác, hợp tác xã.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn Nông Ngọc Nghing cho biết, với đặc thù là huyện miền núi, tiềm năng, lợi thế của huyện là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp chăn nuôi. Huyện Hội đã tập trung chỉ làm tốt công tác tuyên truyền; xác định cây trồng, vật nuôi nào là lợi thế, thế mạnh để ưu tiên tập trung ưu tiên phát triển. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành, khuyến nông viên để tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; khảo sát nhu cầu của hội viên để mở lớp dạy nghề trên địa bàn các xã, thị trấn… Giai đoạn 2018 - 2023, Hội đã phối hợp mở trên 510 cuộc tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 12.800 lượt hội viên nông dân, phối hợp mở lớp dạy nghề cho gần 1.500 lượt hội viên, nông dân.
Đặc biệt, các quỹ Hỗ trợ, dự án hay chương trình vay vốn ủy thác đang là “bệ phóng” vững chắc để các hội viên nông dân Lạng Sơn phát huy khả năng “vượt khó” của bản thân, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua thống kê cho thấy, giai đoạn 2018 – 2023, các dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lạng Sơn đã tạo thêm việc làm cho trên 2.200 lao động nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt gần 946 tỷ đồng với hơn 17.160 hộ vay. Hoạt động vay vốn uỷ thác qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ đạt gần 455 tỷ đồng cho gần 6.100 hộ nông dân vay.
Từ đó, Lạng Sơn đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi với sản phẩm chất lượng và hiệu quả như: Mô hình trồng cây na, cây bưởi tiêu chuẩn VietGap tại huyện Hữu Lũng, Chi Lăng; mô hình trồng cây quế, cây hồi, cây thạch đen, nuôi cá lồng tại huyện Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định; mô hình trồng cây thông, cây dược liệu, gà sáu ngón tại huyện Lộc Bình, Đình Lập; mô hình trồng cây quýt, cây lúa nếp, cây gừng núi tại huyện Bắc Sơn…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Ngôn cho biết, thời gian tới, các cấp Hội sẽ hướng mạnh về cơ sở để tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được thúc đẩy phát triển, tạo sức lan toả trong hội viên nông dân. Đồng thời, tích cực vận động hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nông dân nghèo, khó khăn bằng nguồn vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật… để vươn lên thoát nghèo./.
- Từ khóa:
- Lạng Sơn
- Chi Lăng
- na
- VietGAP
- giảm nghèo