Phân quyền xử phạt cho các cơ quan chuyên môn cấp sở sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Cần làm rõ sự khác biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; đồng thời, không nên bỏ tổ chức thanh tra cấp bộ, cấp sở mà chưa có phương án thay thế tương xứng.
Sáng 14/5, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính".
Chủ trì hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý, xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy nhấn mạnh, qua hơn một thập kỷ triển khai, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã phát sinh rất nhiều vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi và hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chủ trương sắp xếp lại bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, do nội dung của luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, nên quá trình sửa đổi phải được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng.
Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý, xử lý vi phạm hành chính mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các ý kiến sẽ là nguồn thông tin quan trọng để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định, việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính là rất cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tầng lớp nhân dân. Một trong những thách thức lớn là làm sao vừa bảo đảm kỷ cương, trật tự xã hội, vừa không xâm phạm đến các quyền và tự do cá nhân.
Theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh, cần làm rõ sự khác biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; đồng thời, không nên bỏ tổ chức thanh tra cấp bộ, cấp sở mà chưa có phương án thay thế tương xứng. Bên cạnh đó, việc phân quyền xử phạt cho các cơ quan chuyên môn cấp sở sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Những chế tài nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền con người như cảnh cáo, tạm giữ người... cần được cân nhắc cẩn trọng.
Các ý kiến tại hội thảo cho thấy yêu cầu cấp thiết của việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời cũng khẳng định sự cần thiết của việc bảo đảm tính minh bạch, chính xác và hài hòa giữa yêu cầu quản lý và bảo vệ quyền con người trong một nhà nước pháp quyền hiện đại.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý, xử lý vi phạm hành chính Hồ Quang Huy khẳng định, các ý kiến góp ý tại hội thảo đều mang tính xây dựng, phản ánh sâu sắc thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong hơn một thập kỷ qua, đồng thời chỉ ra nhiều vấn đề pháp lý cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu là bảo đảm các nội dung sửa đổi không chỉ phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quá trình xử lý vi phạm hành chính…/.