Sự cấp thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý về tương trợ tư pháp trong bối cảnh tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng tinh vi và phức tạp.
Ngày 25/4, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Tọa đàm “Quy định của Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và thực tiễn áp dụng hiện nay”. Tại sự kiện, các chuyên gia, đại biểu chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tương trợ tư pháp hình sự; đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi luật trong thời gian tới,
Tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết, năm 2023, Chính phủ đã đồng ý với chủ trương tách Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thành 4 luật riêng biệt, trong đó giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Theo kế hoạch, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 cùng năm. Ông Nguyễn Quang Dũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan tố tụng, chuyên gia quốc tế và đại biểu liên ngành để Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thêm căn cứ hoàn thiện Dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý bền vững, phù hợp thông lệ quốc tế.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, đại diện UNODC tại Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý về tương trợ tư pháp trong bối cảnh tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về hình sự không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu. UNODC đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo đạo luật khi ban hành đạt hiệu quả thực tiễn cao nhất.
Đại diện các đơn vị chuyên môn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan tư pháp Trung Quốc, UNODC và các địa phương đã chia sẻ nhiều góc nhìn chuyên sâu, phản ánh rõ thực trạng, thách thức và kiến nghị cụ thể đối với Dự thảo Luật. UNODC đưa ra nhiều đề xuất quan trọng như: Mở rộng phạm vi tương trợ phù hợp với các Công ước quốc tế (UNTOC, UNCAC), làm rõ nguyên tắc “tội phạm kép”, bổ sung quy định về kỹ thuật điều tra đặc biệt, thu thập chứng cứ điện tử, đồng thời đẩy mạnh vai trò số hóa trong hoạt động của cơ quan trung ương.
Đặc biệt, UNODC kiến nghị Luật không nên từ chối tương trợ tư pháp chỉ vì lý do bảo mật ngân hàng hay tính chất tài chính của tội phạm, những nội dung đã được điều chỉnh rõ trong các công ước quốc tế; đồng thời, cần làm rõ hơn vai trò của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong điều phối, kiểm sát thống nhất hoạt động tương trợ tư pháp hình sự.
Tọa đàm diễn ra với các phiên tham luận chuyên đề, thảo luận sôi nổi, trong đó có chia sẻ kinh nghiệm lập pháp từ Hàn Quốc, phần trình bày về thực trạng tương trợ tư pháp hình sự tại Việt Nam, các giải pháp cải thiện hiệu quả thực thi. Các ý kiến đóng góp sâu sắc, đa chiều từ hội thảo là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự./.