Nâng cao hiệu quả thực thi các điều ước quốc tế và hiệp định thương mại tự do
Trong năm 2024, các bộ, ngành Việt Nam đề xuất ký, gia nhập 54 điều ước quốc tế, đa phần là các điều ước song phương về hợp tác phòng, chống tội phạm; dẫn độ, chuyển giao người bị kết án; trao đổi, bảo vệ tin mật; tương trợ tư pháp về hình sự...
Ngày 30/9, tại Đà Nẵng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Hội nghị Chuyên đề về công tác điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, với 16 hiệp định thương mại tự do cùng nhiều điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tốt. Nhưng qua triển khai cũng bộc lộ nhiều điểm cần phải xem xét, điều chỉnh. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức sự kiện nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp đảm bảo lợi ích, uy tín của quốc gia, nâng cao trách nhiệm của Việt Nam với thế giới.
Việt Nam hiện có nền kinh tế mở với việc ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đặc biệt là thành viên của 16 FTA. Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước, sức sáng tạo,cải thiện đời sống người dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.
Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng mức độ ưu đãi thuế thông qua việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ trong các FTA. Nhiều mặt hàng lợi thế có tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đạt từ 92-100% trong các FTA (ngô, lúa mì, giấy các loại, phân bón, ô tô tải, một số sản phẩm sắt thép, các sản phẩm giày dép, dệt may…), tuy nhiên giá trị xuất khẩu chưa cao. Bên cạnh đó, hằng năm, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế và các FTA về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức, triển khai các điều ước quốc tế; tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phối hợp trong thực hiện các điều ước quốc tế của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong giám sát triển khai các điều ước quốc tế...
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trong 8 năm qua, từ khi Việt Nam tham gia và thực thi các FTA, xuất khẩu đã đi sâu vào thị trường các nước đối tác, cán cân thương mại duy trì đà xuất siêu. Nổi bật là khi ký kết và thực thi 3 FTA thế hệ mới là: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt là với CPTPP đã mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào các thị trường mới là Canada, Mexico, Peru…
Tuy nhiên, bà Phạm Quỳnh Mai cũng nhận định, việc thực thi các FTA vẫn có những tồn tại, hạn chế. Tỷ trọng các FTA thế hệ mới trong xuất khẩu chung còn khiêm tốn, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dạng thô, chưa xây dựng nhiều thương hiệu tại thị trường FTA. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tuyên truyền và giám sát thực thi các FTA. Cụ thể, Bộ sẽ đổi mới phương pháp phổ biến thông tin qua video tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện các cam kết các FTA; xây dựng bộ chỉ số giám sát thực thi các FTA (FTA Index). Ngoài ra, Bộ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp về thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân lực và nhiều giải pháp khác…
Bộ Ngoại giao thông tin, trong năm 2023, Việt Nam đã ký, gia nhập 83 điều ước quốc tế. Trong đó có 78 điều ước song phương và 5 điều ước đa phương. Dự kiến trong năm 2024, các bộ, ngành đề xuất ký, gia nhập 54 điều ước quốc tế, đa phần là các điều ước song phương về hợp tác phòng, chống tội phạm; dẫn độ, chuyển giao người bị kết án; trao đổi và bảo vệ tin mật; tương trợ tư pháp về hình sự...
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích đề xuất ký kết điều ước quốc tế trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, chuyển đổi số, môi trường, tăng trưởng xanh, phù hợp với chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Nhà nước…/.