Đại sứ Yaron Mayer: Ký kết Hiệp định thương mại tự do sẽ là một thành tựu to lớn giữa Việt Nam và Israel
Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do là một kết quả đáng mừng và mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh kim ngạch thương mại hơn nữa về chất và lượng giữa hai nước.
TTXVN - Ngày 12/7, Việt Nam và Israel đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1993 - 12/7/2023).
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1993 đến nay, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa hai nước trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại các khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer.
*Phóng viên: Trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - Israel phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ có thể chia sẻ những đánh giá khái quát và cho biết đâu là những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ hợp tác hai nước 30 năm qua?
*Đại sứ Israel Yaron Mayer: Quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong 30 năm qua đã và đang nở rộ trên nhiều lĩnh vực. Nếu chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực thành công nhất cho đến nay, thì tôi muốn nhắc đến thương mại, nông nghiệp và giáo dục.
Thương mại đã tăng trưởng từ con số gần như bằng 0 đến kim ngạch hơn 2 tỷ USD ngày nay. Đó cũng chính là động lực cho hai bên đàm phán thành công và tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do, một kết quả đáng mừng và mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh kim ngạch thương mại hơn nữa về chất và lượng. Chúng ta sẽ cần làm nhiều việc và chuẩn bị cho những mong đợi đó, nhưng trước mắt, khi được ký kết Hiệp định sẽ là kết quả tốt đẹp của hợp tác song phương. Nhiều công ty Israel đã đến với Việt Nam. Nền kinh tế của hai nước mang tính chất bổ trợ cho nhau và đóng vai trò cầu nối tới các quốc gia láng giềng, giúp Israel tiếp cận với châu Á cũng như giúp Việt Nam đến với thị trường Trung Đông.
Tôi muốn chia sẻ vài lời về nông nghiệp, một trong những ngành trụ cột ở Việt Nam. Trong suốt quá trình lịch sử, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Song khi tiếp cận với những công nghệ, hệ thống được kiểm chứng tại Israel, hai bên đã làm việc cùng nhau để phát triển nhiều ý tưởng, công nghệ mới sao cho phù hợp với Việt Nam.
Hai quốc gia đã cùng thực hiện điều đó thông qua chương trình đào tạo, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã đến Israel học tập. Trong hơn 15 năm qua, thậm chí còn lâu hơn thế, nhiều hoạt động của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Israel (MASHAV) đã đưa thực tập sinh sang học tập và trải nghiệm trong 11 tháng tại các cơ quan đào tạo về nông nghiệp, các trang trại, để rồi khi trở về, họ mang theo rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Những điều đó được áp dụng tại Việt Nam cả trong lĩnh vực công và tư. Tôi rất vui mừng khi gặp lại nhiều nhân lực trong ngành nông nghiệp và họ thấy tự hào là đã từng được đào tạo tại Israel.
Bên cạnh nông nghiệp, tôi cũng muốn nhắc tới lĩnh vực nước. Là một quốc gia khô hạn, có rất ít nước tự nhiên với địa hình nhiều sa mạc, thực tế đó khiến chúng tôi phải tạo ra những hệ thống, quy trình quản lý để tận dụng từng giọt nước và nâng cao nhận thức về giá trị của nước.
Hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà màng và nhiều hệ thống khác giúp sử dụng nước hiệu quả hơn nhiều, cả trong nông nghiệp và đô thị, làm nước uống. Những công nghệ này đã được giới thiệu, sử dụng tại Việt Nam và điều chỉnh cho phù hợp. Các công ty Israel hiện diện tại đây đã có mạng lưới, thị trường nhất định và hoạt động rất tốt.
Lĩnh vực cuối cùng mà tôi muốn nhắc tới là giáo dục - đào tạo. Đây là lĩnh vực hai bên cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa. Hiện hai bên có hợp tác trong đào tạo sau đại học, phổ thông trung học, cũng như trong các chương trình đào tạo nông nghiệp.
Chúng tôi nhận thấy rằng giới trẻ Việt Nam rất tuyệt vời. Chúng tôi thấy họ tràn đầy động lực, mong muốn đưa Việt Nam phát triển nhanh và chúng tôi muốn đóng góp vào quá trình này thông qua hợp tác giáo dục-đào tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo.
Đến nay Israel đã có những dự án cụ thể với các viện và học viện, các trường đại học, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để xây dựng, khuyến khích các chương trình đào tạo cho thanh niên. Có thể kể đến chương trình Robotic ứng dụng trong các nhà trường, nhiều đoàn Israel đã sang Việt Nam và ngược lại. Kết quả đều cho thấy đây là một lĩnh vực đầy triển vọng để mở rộng hợp tác.
Trong tương lai, chúng tôi nhận thấy nhiều ngành khác nổi lên và cũng đầy tiềm năng hợp tác, như biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh… đều là những vấn đề mới và tầm quan trọng của chúng đang ngày càng được nhận thức rõ hơn tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Israel đã và đang có rất nhiều công nghệ mới, khởi nghiệp (start-up) tập trung vào những ngành này. Chúng tôi cũng đang xây dựng nhiều chương trình để phát triển hợp tác trên các lĩnh vực này, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
*Phóng viên: Việt Nam và Israel sắp ký kết Hiệp định thương mại tự do. Đại sứ có nhận định gì về tiềm năng đầu tư, thương mại giữa hai nước?
*Đại sứ Israel Yaron Mayer: Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước sẽ là một thành tựu to lớn, mở ra tiềm năng cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Israel và nhiều hơn thế nữa. . . Đó là một cơ hội mà chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu rõ. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã làm việc hết mình để có được thành tựu này.
Về cụ thể những việc chúng ta có thể cùng thực hiện, theo tôi, chúng ta cần trao đổi đoàn nhiều hơn, các đoàn doanh nghiệp hoặc giao lưu nhân dân, để học hỏi về nhau, tìm kiếm các cơ hội, biết thêm về nguyên tắc đầu tư, cơ sở hạ tầng. Việc thực hiện FTA trong tương lai sẽ cần phải có rất nhiều công đoạn mới có thể tận dụng tối đa.
*Phóng viên: Đại sứ quán Israel đã có hoạt động gì để kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Israel và ngược lại?
*Đại sứ Israel Yaron Mayer: Vai trò của Đại sứ quán cũng như Chính phủ chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai nước giao thương, hợp tác đầu tư. Chẳng hạn, chúng ta sắp có FTA là một hiệp định quan trọng, cùng với đó là nhiều hiệp định khác nữa đã kí kết trong khoa học công nghệ, đánh thuế, hải quan… Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tốt nhất.
Chúng tôi có trao đổi đoàn ở nhiều lĩnh vực, ví dụ như các đoàn về nuôi trồng thủy sản, về an ninh mạng, tưới tiêu, đưa các doanh nghiệp Israel tới nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam, giới thiệu về tiềm năng Việt Nam, gặp gỡ các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, họ cùng nhau phát triển các ý tưởng.
Tôi rất vui khi thấy trong 1 năm tôi làm việc ở đây, rất nhiều trường hợp các nhà đầu tư Israel nhận ra Việt Nam là một nơi lý tưởng để xây dựng nhà máy, đưa công nghệ đến. Và ngược lại, tôi đã thấy doanh nghiệp Việt Nam nhìn sang thị trường Israel, như trong ngành dược, công nghệ cao hay các ngành khác, để tìm đối tác tại Israel.
Kim ngạch thương mại hai nước khoảng 2 tỷ USD nhưng tiềm năng còn cao hơn thế. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ khối tư nhân.
*Phóng viên: Quan hệ hợp tác Việt Nam - Israel không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế, công nghệ mà còn đang được đẩy mạnh trong lĩnh vực văn hóa, giao lưu nhân dân. Đại sứ có thể chia sẻ kế hoạch, dự định của Israel trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa giữa hai nước trong thời gian tới?
*Đại sứ Israel Yaron Mayer: Quan hệ nhân dân là một mảng quan trọng giữa hai nước. Chúng ta cần giới thiệu cho nhau văn hóa, tư duy của nhau. Chúng ta đã biết về khái niệm "quốc gia khởi nghiệp". Nó nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra nên bắt đầu giáo dục từ ở lứa tuổi nhỏ, giúp mỗi người phát triển ý tưởng theo những cách tốt nhất. Đó là điều chúng tôi đã làm ở Israel và giờ muốn làm điều đó ở Việt Nam.
Về văn hóa, trong dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, chúng tôi sẽ mời một nhà thiết kế giày Israel mang đến Việt Nam những sản phẩm tưởng như giản đơn nhưng lại đầy đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi có trách nhiệm thúc đẩy, hỗ trợ các trao đổi văn hóa vốn rất quan trọng giữa hai bên.
Cuối năm nay, chúng tôi dự kiến có một chương trình âm nhạc lớn với việc đưa một giàn nhạc giao hưởng Israel tới Việt Nam biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam để đánh dấu dịp kỷ niệm.
*Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!