Đắk Lắk triển khai trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng các chương trình mục tiêu quốc gia
Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương tiếp tục xác định 3 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719).
TTXVN - Ngày 11/7, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023; giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương tiếp tục xác định 3 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719). Trong đó, Chương trình 1719 là chương trình mới được triển khai; hai chương trình giảm nghèo bền vững, nông thôn mới có nhiều thay đổi về nội dung, địa bàn đầu tư, cơ chế đầu tư so với giai đoạn trước.
Trong bối cảnh quy định của các chương trình có nhiều thay đổi, chương trình mới nên phần nào gây lúng túng cho các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, huyện và Ban quản lý cấp xã; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách đã giao để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hơn 2.319 tỷ đồng, chiếm 50,91% tổng vốn cả giai đoạn 5 năm. Trong đó, đối với Chương trình 1719, tỉnh đã giao hơn 1.008 tỷ đồng để thực hiện 106 dự án đầu tư; Chương trình giảm nghèo bền vững đã giao hơn 382,6 tỷ đồng, triển khai đầu tư 16 dự án; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giao hơn 927,8 tỷ đồng, triển khai đầu tư 289 dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, văn hóa thể thao, cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Năm 2023, tỉnh đã cơ bản hoàn thành phân bổ 1.086 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia; trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được hơn 643 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 103,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, địa phương đã huy động, vận động được khoảng 1.542 tỷ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, công tác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 54.689 hộ nghèo, giảm từ 1,5 - 2%/năm; trong đó có 35.982 hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm 3 - 4%/năm. Lũy kế đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15,72 tiêu chí/xã; 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các kiến nghị, đề xuất nhằm đề ra giải pháp, định hướng trọng tâm để thực hiện hiệu quả 3 chương trình trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khẳng định, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là những chương trình “hợp lòng dân”, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế cho nhân dân và khởi sắc diện mạo nông thôn. Thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo, sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các chương trình theo trách nhiệm và thẩm quyền, đảm bảo nguyên tắc “Không tiêu cực, không lãng phí và công khai, minh bạch”; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Toàn tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các chương trình./.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- chương trình mục tiêu quốc gia