Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Nam có 13/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch nghị quyết đề ra. Khu vực thương mại, dịch vụ đang dần được phục hồi và có tăng trưởng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước...
TTXVN - Ngày 11/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X đã khai mạc Kỳ họp thứ 15 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp.
Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn, bất lợi chung của tình hình quốc tế và trong nước, song với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung chuyên đề quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội trong năm 2023 và giai đoạn 2022 - 2025 như: Xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quy định chính sách hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức…
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường đánh giá, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm rất quan trọng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành của chính quyền các cấp. Có 13/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch nghị quyết đề ra. Khu vực thương mại, dịch vụ đang dần được phục hồi và có tăng trưởng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước...
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, Kỳ họp tập trung xem xét, thảo luận để quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết nghị bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định, là bệ đỡ của kinh tế tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng trở lại; ngành Du lịch dần phục hồi, tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực khác phát triển.Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) ước giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước; khu vực thương mại, dịch vụ và nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so với cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; xếp thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, tình hình kinh tế - xã hội còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số nguồn thu ngân sách nhà nước đạt thấp; tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022; ngành Du lịch, dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn. Công tác lập Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung, Quy hoạch nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Quảng Nam cần lấy lại động lực, đà tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững. Tỉnh đã tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành nên đạt nhiều kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến vượt và đạt kết hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng gợi ý 7 nội dung trọng tâm Quảng Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh tập trung cụ thể hóa, triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, đặc biệt là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận trong các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Nam khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để bố trí không gian phát triển chắc chắn, bền vững, làm căn cứ triển khai hợp lý, hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Quảng Nam có giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công gắn liền với kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.
Cải cách hành chính cần được đẩy mạnh cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức.
Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, chỉ đạo áp dụng thống nhất quy định về nhân thân, hộ tịch…, tránh tình trạng gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, gây phiền hà cho nhân dân; kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đồng thời, có biện pháp cần thiết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…
Các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng giải quyết ngọn nguồn, hiệu quả, kịp thời ý kiến, kiến nghị, đơn, thư của cử tri, người dân; tháo gỡ nút thắt về đất đai, giải quyết dứt điểm trường hợp tồn đọng, kéo dài về đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư sau thu hồi đất./.
Trần Tĩnh