Đưa Thái Bình phát triển toàn diện, trở thành tỉnh công nghiệp mới ở Đồng bằng sông Hồng
Trong 6 tháng qua, kinh tế của Thái Bình duy trì phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt 7,77 %, cao hơn bình quân chung của cả nước và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
TTXVN - Ngày 11/7, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 6.
Tại kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá rất cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phục hồi và có những bước phát triển nhanh, có tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong 6 tháng qua, kinh tế của Thái Bình duy trì phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt 7,77 %, cao hơn bình quân chung của cả nước và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được chú trọng, quan tâm. Nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư làm diện mạo của tỉnh thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại, tăng đáng kể quy mô kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh có hai khu công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy) và Khu công nghiệp Hải Long (huyện Tiền Hải). Trong đó, khu công nghiệp Liên Hà Thái được triển khai với tiến độ rất nhanh, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận nhưng Thái Bình không được chủ quan mà phải tiếp tục khắc phục bằng được các hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đưa địa phương phát triển toàn diện, trở thành tỉnh công nghiệp mới trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 và cả nhiệm kỳ.
Để Thái Bình tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Nghị quyết XX Đảng bộ tỉnh, tạo sự thống nhất đồng bộ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết HĐND đã đề ra. Tỉnh cần kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, biến khát vọng thành hiện thực; tập trung hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, tạo sự kết nối liên thông, đồng bộ, phát triển lan tỏa; chú trọng công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Thái Bình tập trung các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ ra; tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh; chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công.
HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực của HĐND, Thường trực HĐND, các ban, tổ, đại biểu HĐND tỉnh và HĐND các cấp trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy; tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành cho biết, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, bàn và chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân, đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đó để thực hiện hiện, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra. HĐND tỉnh thảo luận, cho ý kiến xem xét, thông qua một số cơ chế, chính sách quan trọng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm khuyến khích, tạo động lực để các xã đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trên cơ sở xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của cử tri, kết quả thực hiện nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, Kỳ họp sẽ dành thời gian tối đa, thỏa đáng chất vấn Thủ trưởng các sở, ngành thành viên của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm; đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình kỳ họp đã được thông qua.
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bế mạc vào ngày 12/7./.
- Từ khóa:
- Thái Bình
- công nghiệp
- Đồng bằng sông Hồng