Việc bảo tồn, phát huy các giá trị khu di tích không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hóa Thủ đô mà cần sự chung tay của các cấp, ngành, các nhà khoa học và cả cộng đồng.
TTXVN - Tọa đàm “Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1988 - 2023): Kết quả và định hướng hoạt động” đã diễn ra ngày 25/4 nhân dịp 35 năm thành lập Trung tâm.
Trung tâm đã trải qua hơn 700 năm hoạt động với chức năng là trung tâm giáo dục cao cấp đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam thời kỳ quân chủ (1076 - 1802), khoa thi Hán học cuối cùng vào năm 1919. Cùng với những thăng trầm của lịch sử trong thế kỷ XX và nhận thức về di sản văn hóa chưa đầy đủ trong giai đoạn sau này, Khu Di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, công tác bảo tồn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chấm dứt thời kỳ xuống cấp kéo dài. Tất cả các hạng mục của di tích đều được bảo quản và trùng tu đảm bảo đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu của các công trình, từ cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang, xây dựng khu Thái học, đến phục dựng Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu, hồ Văn...
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học đã được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm phát huy giá trị của di tích, gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài; các cuộc trưng bày, triển lãm được tổ chức tại Trung tâm mang tính chuyên nghiệp hơn.
Đứng trước nhiều thời cơ phát triển, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền thông, giáo dục di sản theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thiết thực, đưa các kết quả nghiên cứu vào trong các hoạt động cụ thể. Trung tâm đa dạng hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa giáo dục theo hướng phát huy giá trị của di tích, đặc biệt là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài...
Tại tọa đàm, các đơn vị, tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm phát huy giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phó Giáo sư, Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề xuất, cần đẩy mạnh phát huy giá trị khu Nội tự, hồ Văn khi đã hoàn thành tu bổ, trước mắt cần sớm có hoạt động vào ban đêm ở hai khu này. Nhà Phương Đình ở đảo Kim Châu, hồ Văn có thể tổ chức làm nơi ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, cũng có thể tổ chức những đêm hát ca trù, hát văn...
Trung tâm cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ số, công nghệ thông minh AI, từ việc số hóa, lưu trữ tư liệu đến việc phổ biến, giới thiệu, trưng bày, triển lãm... Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Công ty Vietsoft Pro chia sẻ: Hiện tại, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với công ty thực hiện số hóa 82 bia tiến sĩ và các công trình tiêu biểu, số hóa các triển lãm chuyên đề, số hóa cuộc đời các danh nhân và truyền thống đạo học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2023, đơn vị triển khai hệ thống trải nghiệm kính thực tế ảo, đang triển khai tour trải nghiệm đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping kể câu chuyện lịch sử và đạo học...
Các đại biểu cũng đề xuất vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thu hút nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, quản lý kiến trúc đô thị các khu phố xung quanh tạo sự hài hòa với di tích...
Việc bảo tồn, phát huy các giá trị khu di tích không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hóa Thủ đô mà cần sự chung tay của các cấp, ngành, các nhà khoa học và cả cộng đồng./.